Trong
cái kho-tàng của nền văn-chương truyền-khẩu Việt nam,
chuyện cổ-tích chiếm một điạ-vị quan-trọng, không
những vì số-lượng mà còn vì phẩm-chất của nó. Ông
bà cha mẹ chúng ta ngày xưa, mỗi buổi chiều thường hay
tụ họp con cháu, dưới ánh sáng êm-dịu của ngọn đèn
dầu lạc thắp bằng tim bấc để kể lại cho chúng nghe
một cách say-sưa những câu chuyện cổ-tích đã lưu-truyền
qua nhiều thế-hệ. Từ bên ngoài, ngọn gió
hiu-hắt đem theo mùi thơm ngào-ngạt của muôn thứ
hương hoa: hoa cau hoa buởi ở trong vườn, hoa dại nơi
đồng quê nội cỏ, trong khi vầng trăng rằm từ phương
đông duyên-dáng nằm nghe trên đỉnh đầu non. Bởi vậy,
từ đời này qua đời khác, những câu chuyện được
lưu-truyền qua sự ghi nhớ vẫn cứ chồng-chất mãi mãi
làm cho nền văn-chương truyền-khẩu mỗi ngày mỗi
phong-phú thêm. Nhưng than ôi ! Số người kể chuyện càng
ngày càng ít đi. Thế-hệ hôm nay hình như không muốn
lưu-ý đến những điều truyền-thuyết của thời-kỳ xa
xưa.
Xét
cho kỹ, những câu chuyện cổ-tích không phải chỉ có
mỗi một mục-đích là làm vui tai những đứa trẻ
ngây-thơ còn chui đầu vào lòng mẹ để tìm sự trìu mến
dịu-dàng, mà nội-dung của chuyện cổ-tích là những bài
học quí-báu về luân-lý, những điều nhận-xét sâu-sắc
về nhân-sinh mà tổ-tiên của chúng ta đã lưu-truyền
lại dưới một hình-thức mộc-mạc, dễ nghe. Qua những
cốt truyện thô-sơ và đơn-giản ấy, ta có thể tìm lại
lối cảm-xúc, cách suy-nghĩ của cả một
thế-hệ, ta có thể đi trở về với tâm-hồn của cả
một dân-tộc.
Để
bảo-vệ cái di-sản quí-báu ấy của tiền-nhân, các nhà
văn-sĩ như Trương-vĩnh-Ký, Huỳnh-tịnh-Của,
Nguyễn-văn-Ngọc ( chỉ kể những người có công nhất )
đã chịu khó sưu-tầm và ghi chép những chuyện cũ thành
sách lưu-truyền cho hậu-thế. Tuy vậy, ngoài những
câu-chuyện đã thâu lượm và ghi chép được, còn có rất
nhiều những câu chuyện cổ tích dân gian đã bị thất thoát, quên lãng .
Hơn
nữa các bậc tiền-bối chỉ lo việc trước-thuật để
lưu giữ những chuyện cổ tích dân gian trên mà không còn thời-gian để nghĩ đến vấn-đề
sáng-tạo. Tập truyện “Cổ-tích Việt-nam” của nhà
văn Lê-văn-Phát, viết bằng tiếng Pháp, xuất-bản năm
1925, chỉ gồm có những mẫu chuyện góp nhặt hơi
vội-vàng và ít nhiều không được chính-xác. Gần đây,
trong hai tập “Chuyện đất thanh-bình” và “Người đàn
bà Nam-xương”, ông Phạm-duy-Khiêm đã quan-niệm vấn-đề
viết truyện cổ-tích dưới một góc khoa-học và thi-vị
hơn. Chúng ta chỉ tiếc rằng Phạm-tiên-sinh đã dùng
tiếng Phá để viết truyện cho nên công-trình của ông
không thể nào đem lại những kết-quả mà chúng ta hằng
mong-ước.
&&&&&
Vô-tính
hay hữu-ý, có nhiều người không muốn đặt vấn-đề
sáng-tạo trong khi trình-bày một câu chuyện cổ-tích. Họ
thường hay tối-thiểu-hoá sự quan-hệ của phần
nghệ-thuật và cho rằng người viết chuyện chỉ có mỗi
một việc là ghi chép sự thật một cách hết sức
khách-quan.
Bàn
cho thật sâu sắc thì yếu tố sáng-tạo là
then-chốt trong khi kể chuyện và giá-trị của một tập
truyện cổ-tích ít nhiều nằm trong phần nghệ-thuật mà mỗi
văn-nhân, thi-sĩ đã khéo đóng góp vào cái sườn
mong-manh sẵn có của cốt truyện .
Phần
sáng-tạo nầy còn đòi-hỏi ở người viết
truyện nhiều sự cố-gắng hơn là ở những bộ-môn
thơ văn khác : khi viết truyện cổ-tích, tác-giả phải thâu hẹp phạm-vi
hoạt-động của mình vào một số đề-tài nhất-định,
vào những cốt truyện thô-sơ mà họ không có quyền thêm
bớt vì sợ làm tổn-thương đến sự thật. Họ không phải chỉ có một việc duy nhất là tường thuật câu chuyện một cách văn tắt, khô khan . Họ phải
làm việc như một sử-gia vừa phải khui đống tro tàn để “phục-hồi
dĩ-vãng”, vừa phải biết tôn-trọng những hình-ảnh và
màu sắc của nó.
Công
việc này còn thiên-nan vạn-nan khi nhà kể chuyện không
dùng văn xuôi mà mượn thi-ca làm
phương-tiện truyền đạt nội dung và cảm-xúc. Họ bị câu-thúc bởi
những lề-lối chặt-chẽ của văn thơ, phải uốn-nắn
tâm-tư và lý-trí theo những đòi-hỏi khắc-khe của
âm-thanh và niêm-luật, phải có một trí tưởng tượng phong phú, một óc sáng tạo dồi dào .Họ phải là một nhà nghệ sĩ có thể cảm thụ đến tận cùng những cái hay cái đẹp trong câu chuyện , phải biết hòa mình và kín đáo gởi cả tâm tư tình cảm của mình vào các nhân vật . Có như
vậy thì văn thơ mới là người và nhà nghệ-sĩ mới có
thể mượn những mẫu chuyện đơn-giản của tiền-nhân
làm cung-đàn, nhịp-phách để nói lên một cách khôn-khéo
và tế-nhị những nỗi bâng-khuâng riêng-biệt của mình.
&&&&&
Đây
là quan-niệm của tôi đối với công-việc cấu-tạo và
trình-bày một câu-chuyện cổ-tích. Người xưa thường
nói: “ biết thì dễ nhưng làm thì khó”. Phương-chi
nghệ-thuật là một công-trình lâu dài và gay-go. Tôi chưa
có thể thực-hiện được một phần nào những điều
tôi mong muốn trong tập sách nhỏ mọn nầy. Dầu sao đi
nữa tôi cũng có thể tự-hào rằng tập chuyện cổ-tích
của tôi đã viết từ lâu và đã hoàn-thành trong khi tôi
còn miệt-mài trên nghế nhà trường. Từ đấy về sau,
chiến-tranh lại xảy ra dồn-dập làm cho công-việc
ấn-loát phải bị đình-đốn và nguyên-văn phải bị
nhiều phen thất-lạc.
Mãi
đến bữa nay tập “Chuyện đất thiêng” mới ra đời
sau bao nhiêu lần giông-tố. Nó chỉ là cái hình-ảnh
phai-nhạt của những tập sách đầy nhụy thơ đã viết
ra từ trước nhưng lại không được may-mắn trông thấy
ánh-sáng của mặt trời.
Tôi
mong các bạn, gần cũng như xa hãy đón nhận nó với một
sự khoan-dung không bờ bến và tôi xin hứa làm thoả-mản
các bạn một cách đầy đủ hơn trong tập “ chuyện
giai-nhân” sẽ xuất-bản vào mùa hè năm sắp đến.
Viết
trên bờ sông Hương, một ngày xuân năm Mậu-tuất.
Phạm
đình Bách