Tổ-chức tấn-công quân Pháp Một khi đã tảo-thanh hậu-phương, ổn-định xong nội-bộ, ban tham-mưu Nghĩa-hội phải nghĩ đến việc tổng-phản-công. Vào thượng-tuần tháng hai năm đinh-hợi, thương-biện Phạm-trọng-Thảng, người phụ trách khu Nhàn-điền Phước-sơn được triệu-tập về mở kho tiền ở làng An-tây, nằm ngay bên cạnh đồng ruộng Hớp, chỗ khe Kiểm và con sông Trầu gặp nhau, để chi-tiêu về việc chiến-tranh. Lính Mọi vừa mới tuyển-dụng trong những vùng Trà-my, Bến-hiên, An-điềm và gần hơn, trong những làng Cĩng-vang, Bà-Xá, Cà-doạt, Tí, Sé kéo về tụ-tập đông-đảo tại ngôi đình làng An-tây. Mỗi người được phát năm đồng tiền kẽm và được thết-đãi linh-đình với thịt trâu, thịt bò nấu xáo, cá-mòi dầu, cá mòi ranh xắc ra từng khúc nhỏ ăn sống. Sau mỗi bữa tiệc, lính mọi bôi những chất dầu, chất mỡ lên mái tóc rồi hoan-hỉ nhảy múa. Sớm hôm sau chúng lên đường làm quân tiên-phong, nghĩa-binh lục-tục theo sau. Vừa tới Trảng-Chuồi, cách đồn Hà-lam chừng non hai cây số, quân tiên-phong gặp một toán quân Ả-rập đương cắm trại ở giữa bưng-biền. Lính Pháp nổ súng trước, làm cho lính thượng-du hoảng-sợ bỏ chiến-trường rút lui một cách hỗn-loạn, vừa tẩu-thoát vừa hô thật to: "Mẹ chạy! Mẹ chạy!". Ban chỉ-huy Nghĩa-binh vừa mới đến nơi, nghe thấy như vậy, cũng phân-tán đi trở về, không giao-chiến. Cuộc tấn-công vào đồn Hà-lam thất-bại. Tuy vậy, mấy ngày sau, dân-chúng ở những vùng thôn-quê hẻo-lánh tưởng trận đánh còn kéo dài, hăm-hở mài gươm giũa vuốt dưới ánh trăng, rồi vũ-trang với những khí-giới thô-sơ như ống thụt bằng tre lồ-ồ chứa đầy ớt chuột, ớt chỉ-thiên, mũ xương rồng hòa với nước lạnh. Họ vội-vả lên đường để tiếp-chiến trong khi gà rừng trên đầu non vừa gáy sáng. Thấy họ cầm vũ-khí ở trên tay, đám tàn quân chận lại hỏi: - Các anh đi đâu đấy ? Họ trả lời với một giọng đầy cương-quyết : - Đi đánh bọn Tây-phương. Họ hy-vọng sẽ xông vào trận-địa, sẽ bắn cho quân-thù phải điếc tai, mờ mắt. Nhiên-hậu họ sẽ lấy dao rạch bụng, lấy gươm chặt đầu, sẽ giết cho hết những giống sài-lang rồi mới chịu trở về ẩn-náu dưới lũy tre xanh, cày sâu cuốc bẩm. Họ vừa mới đến nơi thì cuộc giao-tranh đã bế-mạc. Tên Trần Xịu, người làng Hóa-quê, huyện Quế-sơn cũng dự trận ấy. Hắn cũng theo bọn lính thượng-du để rút lui về hậu-phương và thời may, qua khỏi cầu ông Triệu, lại nhặt được một cái thủ-cấp còn nguyên vẹn. Hắn lấy một sợi mây bên đường xâu vào đầu-lâu thật chặc, rồi mang đi tòng-tơn y hệt như cái đầu heo vừa mới tậu ở trong một tiệm bảy-đáp. Về tới chợ Việt-an, hắn vào trong một cái quán tranh ngồi nghỉ một giây lát. Một chốc sau, một bọn lính đoàn-kiết từ phương xa đi tới cũng dừng chân lại để uống nước chè, ăn sáng. Nhìn kỹ thấy họ khiêng những cái giỏ tre to lớn, có chứa những cái thủ-cấp y hệt như cái hắn còn nắm chặt trên tay, hắn tiến lại gần hỏi chuyện: - Các anh lấy ở đâu mà được nhiều như thế? Bọn lính đoàn-kiết giơ chân khoèo tấm bao tời lót ở bên trong chiếc giỏ cho bày những cái đầu người ra, cái thì trợn mắt, nhăn răng, cái thì nhắm thiêm-thiếp như vừa mới bị thôi-miên, rồi trả-lời: - Các phủ huyện đem về nạp ông hội, ông hội lại bảo khiêng lên nộp tỉnh, nạp ông Hường, còn ở đâu mà có thì tụi tôi không biết được. Hắn muốn hỏi thêm về lại-lịch, chức-tước ông Hội hắn mới nghe lần đầu, nhưng lại thôi ngay vì nghĩ thầm trong bụng: "có lẽ đây là ông án Hổ Phan-bá-Phiến, nhân-vật thứ hai trong Nghĩa-hội, hiện đương đồn-trú tại Phú-lâm, huyện Tiên-phước. Ông Hường coi về miền bắc, từ Việt-an trở ra, còn ông Hội từ Việt-an trở vào nam. Hắn thầm nghĩ rằng ở địa-phương người ta chặt đầu bọn trộm-cướp và những người dân theo Pháp vì sợ hải, để đem về tỉnh-lỵ lãnh thưởng. Ý-nghĩ ấy làm hắn yên-tâm nên lặng-lẽ ra đi. Khi về đến chợ Phú-bình, hắn ghé thăm một người quen và nói một câu thân-mật: - Tôi biết anh vẽ khéo lắm, nhờ anh sửa giùm cái đầu lâu nầy cho tôi một tí. Người họa-sĩ hỏi: - Chú muốn làm cho ra Tây đen hay Tây trắng. Hắn dứt-khoát trả-lời : - Tây chi cũng được miễn là chiều nay tôi đem vào tỉnh-lỵ, nhận cho được năm quan tiền, tôi sẽ chia cho anh bớt phân nửa. Ngồi chờ hồi lâu, khi mặt trời đã tăt hẳn sau hòn ông Bộn, chim-chóc đã bay về rừng, hắn mới từ-giả ngôi nhà tranh xiêu-vẹo, xách chiếc thủ-cấp đã biến-dạng, ra đi trong đêm tối. Gặp vài người quen biết, hắn dừng lại, nói bông đùa vài câu cho khỏi mệt, rồi thận-trọng căn-dặn: "Mai anh nhớ sang nhà tôi có việc, chúng ta sẽ đánh chén một bữa". Niềm vui cũng có thời-hạn, rạng ngày mai, hắn vào chầu-chực tại tỉnh-lỵ để lãnh phần-thưởng thì lại không gặp nhân-viên tại nhiệm-sở. Thấy hắn cứ lui lui tới tới ngoài hiên, một tên lính đoàn-kiết có vẻ thông- thạo, đến nhìn kỹ một chặp rồi mỉa-mai: - Vẻ râu ria như thế này thì lộ mất, dối ai được! Không bằng lòng với nhận-xét ấy, hắn càu-nhàu trả-lời: - Mấy dạo trước tôi thấy người ta lấy bồ hóng bôi nhem-nhuốc sơ-sài ở trên môi, trên cằm mà vẫn có năm quan tiền thưởng, sao bây gìờ anh lại muốn làm khó dễ với tôi như thế? Nghe hắn kỳ-kèo, tên lính đoàn-kiết cũng bật cười cúi xuống nói nhỏ với hắn, vì lúc ấy có người vừa đi ngang qua: - Anh dại lắm, muốn làm thế nào cũng được, nhưng phải có tay trong tay ngoài. Việc này mà lộ ra thì anh sẽ chết! phải liệu chừng đấy. Hắn không chịu thua, cứ đứng chờ cho tới trưa ngày tối buổi mà vẫn không được lợi-ích gì hết. Bữa ấy ở tỉnh-lỵ, người ta còn mắc lo đối-phó với những cuộc tảo-thanh của địch sau vụ tấn-công hụt vào đồn Hà-lam. Lính Pháp kéo vào đóng tại vạn Tam-kỳ rồi từ căn-cứ đã thiết-lập tại Hà-lam, họ mở một cuộc hành-binh rộng lớn trong hai hạt Thăng-bình và Quế-sơn. Bắt dân-chúng đi trước để làm bình-phong, quân Pháp từ từ tiến theo sau. Tới đâu họ cũng bắn phá tan-tành, tàn-sát đồng-bào, hãm-hiếp đàn-bà con gái. Bọn lưu-manh, bọn du-thủ du-thực ở các chợ đi theo làm tiên-phong lại thừa-cơ cướp-bóc, vơ-vét tài-sản của những kẻ giàu-có, họ khuân cả cái chày, cái cối làm cho dân-chúng miền sơn-cước một phen khốn-đốn. Mỗi lần có làn sóng của lính Bắc-phi, lính lê-dương tràn qua như vậy thì tất cả vàng ngọc châu báu ở miền núi lại theo thủy-triều mà rút về miền duyên-hải. Dân-chúng ta-thán không thể nào tả xiếc. Sau một vài lần càn quét để dò đường sá và thử-thách lực-lượng đối-phương, vào hạ-tuần tháng hai năm đinh-hợi, lính Pháp mới lên chiếm chợ Việt-an, một đầu mối giao-thông quan-trọng của những con đường tỉnh-lộ đi về những hạt Quế-sơn, Thăng-bình, Tiên-phước. Họ đóng quân tại ngôi nhà gạch của bà Năm, bên kia cầu bà Quốc, cách chợ Việt-an chừng hai cây số về phía nam. Lúc trước ngôi nhà nầy nằm trên bờ sông Trầu, mặt trước ngó ra đồng-bằng, mặt sau dựa vào sườn núi, đã từng được dùng làm trú-sở cho nghĩa-quân của tán-tướng Nguyễn-Duật, vị tướng-lãnh bị thất trận và chết tại Quảng-ngãi. Ngôi nhà nầy bị bỏ trống một thời-gian. Bây giờ, lính Pháp lo chỉnh-đốn, tu-bổ lại cho kiên-cố hơn, khoét hông, đục tường để biến nó thành một cái pháo-đài vững-chắc. Từ những lỗ châu-mai vừa mới tạo ra, người Pháp cho đặt nhiều khẩu súng trường, súng đại-bác, họng súng chỉa ra phía ngoài, y hệt những sợi lông ở trên thân mình một con nhím. Chung quanh ngôi vườn um-tùm, rộng rãi, họ còn đắp nhiều ụ đất, thiết-lập nhiều lô-cốt để phòng khi bị tấn-công bất-ngờ. Ở ngay bên cạnh nhà bà Năm, có một cái lò rèn bằng tranh xây-dựng từ lâu. Người thợ cả vừa mới tản-cư lên có mấy ngày lại bị thổ-tả chết. Ban tham-mưu Nghĩa-hội bèn lợi-dụng cơ-hội hiếm-hoi nầy để mở một cuộc tấn-công qui-mô nhắm tiêu-diệt cứ-điểm nầy của địch. Bây giờ là ngày mười chín tháng ba năm đinh-hợi. Khi gia-đình khổ-chủ đương làm lễ xuất-quan thì bất-thình-lình ngôi nhà tranh có xây lò-rèn lại phát hỏa. Khi dấu-hiệu của ngọn lửa nổi lên cao, tiếng trống-chầu được gióng lên inh-ỏi, trong khoảnh-khắc, từ trong núi, từ làng Hội-tường, làng Phú-cốc, từ chợ Việt-an, Nghĩa-binh đông tới năm sáu ngàn người ồ-ạt xông tới để công-hãm đồn trại. Một toán quân cảm-tử, ẩn núp từ trước trong những bụi rậm, đã vượt qua sông Trầu ở phía trên cầu bà Quấc, tiến sát những hào-lũy bên địch. Theo sau họ, các đoàn chủ-lực của Nghĩa-binh cũng kéo đến và sẵn-sàng tiếp-chiến. Bọn Pháp phản-ứng tức-thì và núp ở trong nhà, bắn ra không ngớt. Toán quân xung-phong thứ nhất, vừa mới phá được rào-giậu, tiến vào trong ngôi vườn chừng năm ba thước thì bị làn đạn bằn ra như mưa, càn-quét hết tất cả. Tiếng hô xung-phong lại vang dậy khắp nơi. Một toán giản-binh thứ hai hăm-hở tiến lên, nhưng cũng bị tiêu-diệt nốt. Toán thứ ba, thứ tư cũng lâm vào hoàn-cảnh tương-tự. Ở các mặt khác, nghĩa-binh cũng cố-gắng vượt qua rào lũy, nhưng đều bị bọn Pháp bắn chết quá nhiều, phải tháo lui. Bao nhiêu kiên-trì, dũng-cảm, bao nhiêu hy-sinh đều không đem lại kết-qủa. Bọn lính Bắc-Phi vẫn nấp yên-ổn bên trong thành-lũy, tiếp-tục bắn ra như mưa. Sau ba giờ kịch-chiến, nghĩa-binh đã bị tổn-thất quá nặng-nề, hàng trăm tử-thi la-liệt trên mặt đất, hàng ngàn người bị thương còn nằm kêu gào trong những khóm vườn, trong hào-lũy. Biết tình-thế không thể cứu-vãn được nữa, tán-tướng Nguyễn-Thanh, chỉ-huy mặt-trận nầy phải ra lệnh thối binh. Mãi tới xế chiều ngày ấy cuộc chiến-tranh mới dứt hẳn. Đây là trận đánh lớn nhất và chuẩn-bị công-phu nhất từ khi Nghĩa-hội mới thành-lập. Thất-bại đau-đớn nầy không khỏi gieo hoang-mang rất lớn trong dân-chúng. Để trấn-an lòng người, một tuần lễ sau, ban đêm ban tham-mưu Nghĩa-hội kéo đến bãi chiến-trường, lập đàn trên bờ sông Trầu làm lễ cầu-siêu cho những tử-sĩ. Người ta còn tương-truyền rằng, khi một vị văn-thân đứng lên đọc bài văn-tế sau nầy của cử-nhơn Phạm-đạo-Mẫn, người ở làng An-tráng, phủ Thăng-bình, thì hai bên bờ sông, trên sườn núi, trong cánh đồng lại văng-vẳng tiếng ma kêu quỉ khóc làm cho ai nấy cũng phải khiếp sợ.
|