Tiểu-phủ-sứ Nguyễn-Thân Nguyễn- Thân, ấm-sanh xuất-thân, vốn là người làng Thạch-trụ. Thừa-kế chức-nghiệp của thân-phụ là cử-nhơn Nguyễn- Tấn, Nguyễn-Thân làm nghĩa-định sơn-phòng chánh-sứ, đóng quân tại làng Vạn-lý, huyện Mộ-đức để án-ngự bọn thượng-du. Sau ngày kinh-đô bị thất-thủ, y gia-nhập phong-trào Cần-vương, rồi lại phản-bội, kéo binh sơn-phòng về giết cử-nhơn Lê-trung-Đình, tú-tài Nguyễn-tự-Tân, dẹp tan phong-trào Cần-vương, thâu tóm hết chính-quyền vào trong tay. Nhờ có công tiêu-diệt văn-thân, y được người Pháp trọng-đãi, tháng năm năm bính-tuất, vua Đồng-Khánh xuống chiếu cho y được sung chức nghĩa-định chiêu-thảo xử-trí-sứ để phụ-trách việc đánh dẹp hai tỉnh Quảng-ngãi, Bình-định. Vào khoảng tháng bảy năm Bính-tuất, cuộc chiến-tranh xảy ra giữa hai tỉnh Quảng-nam và Quảng-ngãi, y dùng lối phục-kích, đánh tan quân-đội của Nguyễn-duy-Hiệu tại trận Cầu-chảy và ngăn cản được viện-binh của Mai-xuân-Thưởng từ Bình-định kéo ra. Tiếp theo đó, văn-thân ở Bình-định lại chia ra hoạt-động tại Quảng-ngãi để tìm cách nối lại trục giao-thông giữa ba tỉnh Quảng-nam, Quảng-ngãi và Bình-định, y cũng dẹp tan được tức-khắc. Viên chỉ-huy toán quân Bình-định là Bùi-Điền phải rút về vị-trí củ. Mùa hè năm Đinh-hợi, quân Pháp lại chuẩn-bị tấn-công mạnh hơn tại Bình-định. Công-sứ Tyrant và đại-tá Dumas thân-hành vào Sài-gòn để cầu viện-binh. Cử-nhơn Mai-xuân-Thưởng phải lo đối-phó. Một mặt, ông phái người vào Phú-yên, Khánh-hòa để thôi-thúc nghĩa-binh chuẩn-bị kháng-chiến, một mặt gởi thư ra để hiếu-dụ y trở về với chính-nghĩa. Nhận được bức thư của tỉnh Bình-định, y phúc-đáp lại và hứa sẽ hợp-tác với Cần-vương để chống lại quân Pháp. Mai-xuân-Thưởng tưởng thật, liền phái một toán quân ra để trợ-lực. Toán nghĩa-binh từ Bình-định kéo ra, vừa tới đèo Bình-khê thì bị y phục-kích, đánh cho một trận thất-điên bát-đảo. Thống-trấn Mai-xuân-Thưởng, viên phó-tướng Bùi-Điền và các vị tướng-lãnh khác trong Nghĩa-hội tỉnh Bình-định, cọng tất cả là mười một người, phải lên đoạn-đầu-đài tại vùng An-khê. Từ đấy uy-thế của y càng ngày càng lan rộng. Tháng tư năm Đinh-hợi, theo lời thương-thuyết của quan trú-sứ Pháp tại Huế, vua Đồng-Khánh sai y đem binh ra Quảng-nam để cùng quan khâm-sai Phan-thanh-Liêm hiệp-tiêu. Một tháng sau triều-đình lại xuống chỉ cho khâm-sai Phan-thanh-Liêm vào nhận chức Thuận-khánh Tổng-đốc, tất cả việc đánh dẹp tại Quảng-nam đều thuộc về một mình y đảm-nhiệm. Ngày rằm tháng tư nhuận năm Đinh-hợi, toán quân tinh-nhuệ của Nguyễn-Thân xuất-phát tại làng Vạn-lý, đông tới chừng một trung-đoàn, có non hai trăm bộ-binh Pháp theo yểm-hộ . Đội quân tiền-phong mang lá cờ vàng có thêu bốn chữ "Tiết-chế Khâm-sai". Vừa tới chợ Bền-ván, thuộc hạt Tam-kỳ thì bị Nguyễn-duy-Hiệu dẫn quân Đoàn-kiết phục-kích hai bên đường, chận đánh một trận hết sức dữ-dội. Bị đột-kích bất-ngờ, lính Quảng-ngãi không kịp dùng súng đạn tối-tân do bọn Pháp chi cấp, phải dùng lưỡi lê và gươm giáo đánh xáp lá cà. Cuộc giao-tranh kéo dài đến nửa tiếng đồng-hồ, toán quân viễn-chinh bị đại-bại, nằm chết ngổn-ngang trên con đường thiên-lý chạy thoai-thoải từ ngôi đình-thị cho tới bờ sông. Máu của những người bị thương nhuộm đỏ cả một bến đò, loang-lổ nhiều nơi trên giòng nước sông Trường. Lính Quảng-nam tưởng rằng Nguyễn-Thân đã bỏ mình trong cuộc hổn chiến, rủ nhau đi lật từng cái thây để nhận mặt, không kịp thâu-hồi những thứ vũ-khí vừa mới chiếm-đoạt. Bất thình-lình, đoàn quân hậu-tập của tỉnh Quảng-ngãi cũng vừa kéo đến, Nguyễn-Thân dẫn đầu, ngồi chễm chệ trên lưng con ngựa kim, có đoàn kỵ-binh theo hầu sát bên cạnh. Nghe nói đội tiền-phong của mình vừa mới bị hy-sinh, Nguyễn-Thân ra lệnh cho đoàn pháo-binh tiến tới trước, bắn phá lung-tung, châm lửa đốt những lều-quán hai bên đường thành những đám cháy cao. Nguyễn-duy-Hiệu biết thế không chống cự nỗi, liền bỏ chiến-trường mà rút lui về miền núi. Ngay ngày ấy, tiếp-tục cuộc hành-trình, lính Quảng-ngãi tiến về Cây-trâm, dừng lại trong giây-lát. Dân-chúng tại đây không biết rõ những tấn-tuồng vừa mới xảy ra ở Bến-ván, kéo nhau ra xem khá đông, bị lính Pháp xả súng trường bắn tán-loạn, một số bị tử-thương, số khác lo tìm đường tẩu-thoát. Rạng ngày mười sáu, Nguyễn-Thân ra tới vạn Tam-kỳ, chánh-quyền địa-phương và viên đồn-trưởng Pháp ra đón-tiếp. Hai bên bàn-luận với nhau một hồi lâu, Nguyễn-Thân lại vội-vã lên ngựa, hướng-dẫn đoàn quân viễn-chinh về phía tây-bắc. Khi tới chợ Quán-rường, cách vạn Tam-kỳ chừng năm cây số, họ bắt gặp một toán quân Tàu-ô, có thể nhận ra được từ xa nhờ cái đuôi sam sau gáy. Hai bên giao-chiến. Lính Trung-hoa bị thua, phải vượt qua mấy dãy đồi trọc chạy trốn, sau khi để lại trên mặt-trận năm bảy xác chết. Nguyễn-Thân cho quân-đội rẻ về phía tây, theo con đường tỉnh-lộ lên chợ Cẫm-khê, tới đóng tại làng Cẫm-khê, từ đây dùng làm căn-cứ để tấn-công vào miền sơn-cước. Biết đích-xác lính sơn-phòng đã ra tới Tam-kỳ, Nguyễn-Địch phải lo chuẩn-bị ráo-riết. Một buổi tối, hắn ra đứng chờ ở phía sau ngôi đình làng Hội-lâm. Trời sáng trăng lờ-mờ, khi trông thấy một cái bóng đen từ trong xóm đi ra, tiến về phía mình, hắn vội-vàng bước tới. Khi lại gần, hắn nghe được mấy tiếng rất khẽ: - Tôi phải chờ cho hai tên lính hầu-cận của Nghĩa-hội đi ngủ, mới lẻn trốn-thoát. Tất cả mọi người đều không hay biết gì hết. Bây giờ chúng ta phải lên đường cho thật gấp. Nguyễn-Địch nói: - Cứ thư-thả! Tôi đã bố-trí đầy-đủ lắm rồi! chúng ta sẽ tới nơi trước khi mặt trời mọc. Rồi cả thầy lẫn trò âm-thầm tiến về phiá bắc. Ra khỏi giới-hạn làng Hội-lâm, Nguyễn-đình-Tựu trông thấy một tên nông-dân dắt hai con ngựa ô to lớn đứng chờ sẵn ở bên đường. Thầy trò nhảy phóc lên yên, kẻ trước người sau, họ băng qua truông Nứa. Vào giờ tý, họ tới làng Cẩm-y khi gà rừng gáy inh-ỏi ở ngoài thôn xóm. Hai người nông-dân từ trong bụi rậm bước ra chấp tay kính-cẩn vái. Nguyễn-Địch bảo chúng nó ở lại giữ hai con tuấn-mã, rồi dắt chủ ven theo rừng núi tiến về phương đông. Trong chốc lát, họ đã vào tới địa-phận làng Tây-hồ. Từ đây miền hạ-du mở rộng trước mắt họ với những cánh-đồng mênh-mông, những xã thôn trù-mật. Trời bắt-đầu hừng sáng, lặng-lẽ vượt qua suối Đôi, vừa qua bờ bên kia, họ gặp một toán người vừa đi vừa nói chuyện. Lúc bây giờ hai thầy trò mới sực nhớ đã cải-trang trong lúc ban đêm nên không có gì đáng lo ngại. Họ tiếp bước, trà-trộn vào nhóm bộ-hành gồm có năm bảy vị hương-chức mặc áo dài đen, chít khăn nhiễu đi cùng bốn tên nông-dân chất-phác đương gánh vật-hạng trong những đôi bầu che kin. Nguyễn-Địch đi lủi-thủi cạnh một vị lão-thành có chòm râu quai nón bạc-thách cất giọng hỏi bâng-quơ: - Mấy cụ đi sớm nhỉ? khéo có lính Nghĩa-hội bắt gặp thì phải khai-trình lôi thôi lắm đấy! Vị lão-thành im lặng, nhường lời cho một người bộ-hành có vẻ bặt-thiệp hơn: - Dạo này lính sơn-phòng Quảng-ngãi kéo ra đông như kiến! Bọn dư-đảng Cần-vương phải lo tẩu-thoát, còn đứa nào dám bén-mảng về đây nữa mà phải dè-dặt! Câu nói thân-mật ấy đã thúc-đẩy Nguyễn-Địch đưa ra thêm vài nhận-xét để dò dư-luận: - Nghe nói lính sơn-phòng của Nguyễn-Thân tàn-bạo, hung-dữ lắm, họ ra chiếm đóng tỉnh nhà thì tụi mình sống làm sao nỗi bác nhỉ? Lúc bấy giờ, vị lão-thành mới đằng-hắng thật to góp ý vào: - Sự thật là thế, nhưng một cổ hai ách thì lại càng khó chịu hơn! Ngày trước, khi Nghĩa-hội còn làm sóng làm gió, bọn chức-sắc chúng tôi phải đặt hai cái châu-án, một cái ở đầu, một cái ở cuối làng. Hễ lính Pháp và lính Nam-triều kéo lên bắn phá, chúng tôi phải mặc áo rộng, mang trầu cau rượu ra lạy ở đằng trước để bảo-vệ cho dân-chúng. Bọn Pháp vừa mới rút khỏi thì các quan bên Nghĩa-hội lại xuất hiện để trả-thù ở đằng sau. Chúng tôi lại phải khăn đen, áo dài ra lạy một lần thứ hai nữa, cứ lạy hoài, lạy mãi như vậy, không biết bao giờ cho hết? Vị lão-thành vừa nói, vừa thở dài: - Bây giờ chúng tôi lại phải kéo vào trình-diện với quan sơn-phòng ở làng Đại-đồng. Nghe thiên-hạ đồn rằng quan tế-tửu làng Phú-thị cũng sắp ra đầu-thú. Những vị tai mắt trong đám văn-thân cũng còn theo chính-sách cầu-an, huống hồ là bọn hương-chức như chúng tôi. Vị bô-lão vừa dứt lời thì ngoảnh mặt về phía hai người khách lạ vừa mới gặp mà hỏi một cách đắc-ý: - Người ta thường nói ăn theo buổi, ở theo thì có phải thế không hai anh? Phó-bảng Nguyễn-đình-Tựu không trả-lời, chỉ có Nguyễn-Địch cất tiếng nói rất khẽ: - Chúng tôi cũng nghĩ như vậy. Một giờ sau họ đã vào tới đại-bản-doanh của quan tiễu-phủ-sứ. Tiếng loa phát ra từ trên vọng-gác cao: - Văn phòng Nam-Ngãi Định-Chiêu-Thảo Xử-Trí-Sứ xin loan-báo cho quốc-dân đồng-bào được biết rằng quan phó-bảng Nguyễn-đình-Tựu, nguyên hoàng-tử giáo-tập, nguyên tế-tửu Quốc-tử-giám, người làng Phú-thị, huyện Hà-đông, sáng bữa nay, đã ra hợp-tác với chính-phủ Nam-triều. Vì vậy, quan tế-tửu có lời kêu gọi tất cả những thân-hào binh-sĩ phải cấp-tốc ra trình-diện và sẽ bảo-đảm cho họ được yên-ổn. Những kẻ nào ngoan-cố, không chiụ qui-thuận sẽ phải chiếu theo quân-luật mà xét-xử. Sau khi bản thông-báo đã được đọc lên, dân chúng lần-lượt kéo ra đầu-thú. Từ đề-đốc Phan-Ngữ ở làng Tam-thái tới binh-đinh làm cho văn-thân nghi-kỵ lẫn nhau và phong-trào Cần-vương đứng trước nguy-cơ tan rã. Thấy tình-thế đã biến-chuyển một cách thuận-lợi, Nguyễn-đình-Tựu liền vào hội-đàm với quan tiểu-phủ-sứ và xin mở ngay một cuộc hành-binh vào miền sơn-cước.
|