Thanh-lọc hậu-phương Ngày dời tỉnh-lỵ đến An-sơn được non ba tháng, vào một buổi tối, hường-lô Nguyễn-duy-Hiệu đòi các lý-hương đến để phân-phối công việc. Các lý-hương những vùng lân-cận đều có mặt, ngoại-trừ lý-trưởng làng An-tây là Đặng-Nhạn, tục gọi là xã Nhạn khiếm-diện. Lính hương-dõng ở địa-phương đến gọi một lần nữa. Lúc bấy giờ xã Nhạn còn say lèm-nhèm, nằm bắt chân chữ ngũ trên bộ phản ngựa, tay gát lên trán, có vẻ mệt-mỏi lắm. Người lính hương-dõng mới bước vào ngưỡng-cửa nói vợi vào, ra ý trách-móc: - Cụ hường đòi gấp, so anh không chịu ra hầu. Bị chất-vấn, lại sẵn hơi men xông lên làm rối loạn cả tâm-trí, xã Nhạn trả-lời một cách cau-có: - Bòng quít cũng chẳng làm chi nữa là hường. Tên lính hương-dõng chạy về bẩm-báo với ban chỉ-huy Nghĩa-hội, thêu dệt thêm một vài đường chỉ, một vài mũi kim, mọi người đều công-phẩn. Tức-khắc người ta bắt xã Nhạn dẫn ra hội-đồng để xét hỏi. Trước mặt bá-quan, hắn chỉ biết làm thinh vì lúc bấy giờ thật sự hắn không ý-thức được những điều vừa mới nói. Người ta truy cho hắn hai cái tội khi-quân và phạm-thượng. Theo lời đề-nghị của viên quản Hách, hắn bị dẫn ngay ra pháp-trường và bị chém một nhát đứt đầu ở dưới gốc cây si cổ-thụ, trên bờ sông Trầu, thuộc địa-phận làng An-cường, huyện Quế-sơn. Sau khi bị giết, xã Nhạn vẫn còn lai-vãng nơi tỉnh-lỵ, ý hẳn để tìm cách báo-thù ban tham-mưu Nghĩa-hội. Ban đêm, oan hồn lại một mình đi lừng-lừng từ chổ hành-thích về tới quê nhà, dạo quanh dạo quất một hồi khắp nơi rồi mới chịu biến mất. Suốt năm mười năm về sau, cái oan-hồn ấy vẫn thấy hiện lên như thế, có thể-xác, có áo quần hẳn-hoi, nhưng lại thiếu cái đầu, làm cho dân-chúng hai bên con đường công-hương phải khiếp-sợ, mỗi buổi tối phải đóng gài cửa ngõ thật chặt, tuyệt-nhiên không dám bén-mảng ra ngoài. Thi-hành cái án xã Nhạn xong, đầu tháng giêng năm đinh-hợi, ban tham-mưu Nghĩa-hội lại triệu-tập tất-cả tín-đồ công-giáo về làng Bình-kiều. Bình-kiều là một cái làng thưa-thớt, quê-mùa, nằm trên nguồn sông Thu-bồn, ngay tại chổ ba con sông hiệp lại thành một: con sông Tiên chảy qua hạt Tiên-phước, con sông Tranh chảy qua vạn Trà-my và con sông Trường phát-xuất từ vạn Phước-sơn. Cảnh vật vùng nầy hoang-vu nhưng không kém phần tao-nhã. Giữa một cái lòng chão dài tăm-tắp là con sông Thu-bồn vừa mới khai-sinh, nhưng giòng nước đã bắt-đầu hung-hăng, nóng-nẩy, cứ theo chiều xuôi mà chảy cuồn-cuộn, len-lỏi thật nhanh, quanh-co, uốn-lượn giữa những tảng đá lởm-chởm, nơi nghỉ chân tạm-thời của những giống chim cô-độc. Hai bên bờ sông, những doi đất thoai-thoải trải dài uốn-lượn, đó đây lác đác mọc lên vài làng-mạc hiu-quạnh. Xa hơn nữa, những dãy núi trùng-trùng điệp-điệp nối nhau về những chân trời mới lạ với những làng Mọi thâm-u, bí-hiểm, xa lắc xa lơ. Trong khung cảnh thiên-nhiên huyền-hoặc ấy, ban tham-mưu Nghĩa-hội mới thiết-lập một cái pháp-trường. Từ mửng tưng sáng, bọn lính Đoàn-kiết đã dẫn tới đây hàng trăm tín-đồ công-giáo bị nhốt từ lâu trong những căn nhà đất thiết-lập khắp nơi và trong trại cải-hóa tại vùng Thảo-huy, Thảo-đế. Những người bị an-trí có vẻ mặt xanh-xao, mắt lờ đờ, thân hình ốm-o, tiều-tụy, một phần vì sợ hãi, một phần vì phải thao-thức nhiều đêm, phải chịu-đựng nhiều gian-lao, khổ-cực. Bây giờ họ bị trói với những sợi dây dừa thật chắc, bị phân ra làm nhiều toán, mỗi toán là mười hai người, phải ra đứng chờ chực số-phận của mình bên cạnh những cái lỗ sâu đã khai sẵn. Chung quanh pháp-trường, các vị chức-sắc trong làng đã có mặt; các tên lính hương-dõng, lính đoàn-kiết cầm giáo mác đứng giữ trật-tự và dân-chúng tò-mò, kéo tới xem đông-đảo. Ban hành-thích gồm có một viên lãnh-binh và nhiều người giúp việc. Họ di-chuyển khoan-thai, đều-đặn, hết chỗ nầy đến chỗ khác. Hai tên lính đoàn-kiết đi theo sau, mang một sợi dây dừa khá to lớn buộc vào nhiều cái thánh-giá bằng gỗ. Mỗi khi đi đến một cái huyệt sâu, viên lãnh-binh, bận triều-phục, lại dừng bước nói vài ba câu giải-thích ngắn-ngủi, trong khi hai tên lính phụ-tòng cứ lo việc đóng cọc tre, móc dây và căng thập-ác. Dụng-cụ đã bày ra sẵn-sàng, viên lãnh-binh ra dấu cho mấy tên con chiên phải tiến tới và phải bước ngang qua những hình chữ-thập. Có người nhanh-nhẹn vâng-lời, được lính đoàn-kiết khen giỏi, dân-chúng vỗ tay hoan-nghênh và cho đứng riêng sang một bên. Có người lại trù-trừ, ngó tới ngó lui quanh-quẩn và sau một thời-gian khá lâu, bị thôi-miên bởi cảnh vật, bởi trăm ngàn con mắt khích-lệ của dân chúng, mới chịu chuyển mình bước qua một cách nặng-nề, miễn-cưỡng. Một lần nữa, khán giả ở bên ngoài lại reo vang ầm-ỉ. Một số lớn tín-đồ không chịu bước qua cây thập-giá, chỉ đứng chắp hai tay lại lâm-râm đọc kinh. Bị thôi-thúc gì đi nữa, họ cũng không hề nao-núng, hai con mắt hơi nhắm lại hướng về những vầng mây ngũ-sắc đương bay nhẹ-nhàng trên hòn Kẽm. Những người can-trường đó đều bị xô đẩy xuống dưới huyệt sâu và bị lấp đất ngay tức-khắc. Hàng trăm, hàng ngàn người trung-thành với Chúa, muốn nêu gương tốt cho những người đồng-đạo, đã tuẩn-tiết một cách hết-sức thê-thảm. Tiếng rên-rỉ, tiếng gào khóc, tiếng nguyền-rủa chen lẫn với nhau, mỗi lúc lại nổi lên inh-ỏi, làm chấn-động cả một khu rừng tĩnh-mịch từ trước đến nay. Sau khi số-phận người công-giáo cuối cùng được quyết-định, những người còn sống bị lính đoàn-kiết áp-tải xuống những chiếc thuyền đậu sẵn ở bên bờ sông và chở về nhiều nơi bí-mật, không biết rõ phương-hướng nào. Từ đây về sau, dân-chúng làng Bình-kiều vẫn gọi pháp-trường ấy là Gò Đạo, để tưởng-nhớ những thiện-nam tín-nữ đã vì Chúa quên mình, đã tự-nguyện hy-sinh vì tín-ngưỡng. Ngày nay khách thập-phương khi có dịp hiếm-hoi đi ngang qua gò Đạo, vẫn còn thấy những nấm-mồ hoang nằm lúp-xúp trong lau-lách, dấu vết của một thời tranh-chấp xa-xưa giữa lương và giáo, bất-giác họ không khỏi cảm-thấy đau lòng.
|