Thành-lập Nghĩa-hội
Trong tuần lễ vừa qua, phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu không được thơ-thới trong mình. Nhiều việc không may-mắn đã xảy ra trong hàng-ngũ văn-thân. Trước hết là việc người Pháp lên tấn-tiêu nha sơn-phòng Dương-yên, thành-trì bị phá tan-hoang, kế tiếp theo đó là sự hành-quyết tiến-sĩ Trần-văn-Dư tại thị-trấn Vĩnh-điện. Từ khi đem chí lớn ra đảm-đương việc nước, ông chưa bao giờ nghĩ đến những biến-chuyển mau lẹ như thế, nhất là những sự đổi chiều xoay hướng trong tâm-trí con người. Sự qui-thuận của tiến-sĩ Trần-văn-Dư đã làm cho ông phải một phen sửng-sốt. Ngồi dựa lưng vào chiếc ghế trường-kỷ trong căn nhà riêng của mình, ông cứ tính tới tính lui, hết suy-nghĩ vẩn-vơ lại than-dài thở-vắn. Ông bắt đầu cảm thấy do-dự, lẻ-loi trên con đường khởi-nghĩa. Bên cạnh ông vẫn có nhiều vị nhân-sĩ lỗi-lạc, nhiều bậc khoa-bảng trứ-danh. Ở Thăng-bình có Tiểu-La Nguyễn-Thành, ở Hòa-vang có ngự-sử Hoàng-bá-Thanh, ở Điện-bàn có hoàng-giáp Phạm-như-Xương, tiến-sĩ Phạm-Tuấn. Nhìn xa hơn nữa, ông còn nhận được sự nâng-đỡ của phong-trào Cần-vương. Cử-nhơn Mai-xuân-Thưởng ở Bình-định, cử-nhơn Lê-trung-Đình ở Quảng-ngãi đã phái người ra cộng-tác thường-xuyên. Tiến-sĩ Phan-đình-Phùng ở Hà-tịnh vừa mới gởi một phái-đoàn vào để thảo-luận sự liên-kết. Qua sự trung-gian của những tỉnh lân-cận, ông lại có thể tiếp-xúc với thân-hào, chí-sĩ ở khắp bốn phương. Dầu sao đi nữa, tất cả những sự ủng-hộ ở bên trong và bên ngoài cũng không bồi đắp nỗi chổ thiếu-sót một khi sơn-phòng-sứ Trần-văn-Dư lìa trần. Có nhiều phen ông đã thân-hành lên Phú-thị mời tiến-sĩ Nguyễn-đình-Tựu ra lãnh-đạo quần-chúng, nhưng vị hủ-nho này, sau ngày rời bỏ nha sơn-phòng Dương-yên, vẫn trùm chăn nằm một xó và không muốn tham-gia hàng-ngũ kháng-chiến. Bực mình ông lại trở về làng Thanh-hà, đóng cửa không chịu tiếp khách, hết giờ nầy đến giờ nọ cứ ngồi gác tay lên trán suy-nghĩ vẩn-vơ. Chính trong lúc ông chưa tìm thấy lối giải-thoát, còn đương e-dè, phân-vân thì từ một phương trời xa-xăm lại nghe văng-vẳng những lời khuyên-nhủ mỗi phút mỗi gần-gũi, rỏ-rệt, hiền-hoà, của một vị anh-hùng tiền-bối: "Hường-lô Nguyễn-duy- Hiệu, đứa con thân mến của ta ơi! người hãy mạnh-dạn tiến lên! ai lại mặc cả với non sông" Ừ! ai lại mặc-cả với non sông! phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu vừa uốn mình, vừa đọc lẩm-nhẩm mấy tiếng nói cuối cùng trong lời căn-dặn mà ông vừa mới nghe thoáng qua nửa như hư, nửa như thực. Ông tự hỏi : "phải chăng đây là tiếng gọi của núi sông, lời thân-mật của tâm-can hay câu mật-niệm của các vị tiền-bối ?" Không! đây chỉ là cái dư-âm của những chiếc lá vàng khô rơi nhẹ-nhàng trên mặt đất. Nhưng dầu sao đi nữa, sau những phút bỡ-ngỡ đầu tiên ấy, ông đã có thêm nhiều sinh-lực và đạt được sự yên-tỉnh trong tâm-hồn. Từ đây ông có thể hy-sinh đến giọt máu cuối cùng để trả thù cho non sông, rửa nhục cho giống-nòi, làm gương cho hậu-thế. Ông sẽ theo đuổi cuộc kháng-chiến cho tới khi trời nghiêng đất lỡ mà không phải bận tâm vì thành-công hay thất-bại. Những ý-nghĩ ấy làm cho ông cảm-thấy phấn-khởi trong lòng. Ông đứng dậy, nhìn khắp đông tây một lượt và thấy cử-nhơn Lê-tấn-Toán ngồi khít bên cạnh mình, tay cầm chặt-chẽ quyển bác-vật-học in bằng chữ nôm của tiến-sĩ Phạm-phú-Thứ. Phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu có vẻ bối-rối: - Bẫm thầy tới đã lâu? Cử-nhơn Lê-tấn-Toán nhìn lên, tuy trán đã nhăn-nheo, hai con mắt đã sâu, má đã tóp, chòm râu dài đã bạc phơ nhưng con người gầy gầy mảnh-dẻ vẫn còn quắc-thước, nhanh-nhẹn lắm: - Tôi sang đây vào lúc xế trưa. Thấy ông ngủ ngon-lành quá, tôi không dám đánh thức. Phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu chắp hai tay lại xin lỗi: - Như vậy thì ra con quấy lắm! xin thầy vui lòng tha-thứ cho! Cử-nhơn Lê-tấn-Toán mĩm cười, rồi thong-thả nói: - Không hề chi! Bây giờ ông mặc quần áo, rồi sang bên Hà-lộc có tí việc cần. Phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu mới ra tới ngưỡng cửa, lại quay trở lại, tiến về phía ông thầy học mà hỏi với giọng kính-cẩn: - Bẩm thầy! Có việc gì quan-trọng hay không? Cử-nhơn Lê-tấn-Toán ôn-tồn trả-lời: - Hôm kia tôi qua đây, nghe nói ông đi vắng, tôi liền thảo một tờ hiệu-triệu cho sĩ-dân trong tỉnh. Hiện bây gìờ họ đã tề-tựu đông-đủ. Ông phải sang ngay để tìm cách đối-phó với thời-cuộc. Chỉ trong chốc lát hai thầy trò đã lên ngưạ đi về miệt biển. Tới làng Hà-lộc, phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu trông thấy cờ đuôi cheo bày la-liệt khắp các nẻo đường và dân chúng kéo về dự-hội rất đông. Cuộc hội-nghị bắt-đầu khai-mạc. Cử-nhơn Lê-tấn-Toán ra đứng trước bàn thờ tổ-quốc nhìn lên ngọn quốc-kỳ lung-linh mà tuyên-bố đại-khái: - Từ ngày khởi-nghĩa, thấm-thoát năm tháng đã qua. Ta chưa có đủ thì-giờ để tổ-chức mọi công việc. Chẵng may gần đây bọn Tây nô lại tấn-tiêu nha sơn-phòng Dương-yên. Thành-trì đổ vỡ tan-tành, tiến-sĩ Trần-văn-Dư lại bị hành-quyết. Ta đương lâm vào một tình thế nan-giải. Muốn gỡ ván cờ nầy, sức-lực một hai người không làm nỗi, mà cần có sự đóng-góp của toàn thể nhân-dân. Như vậy cuộc kháng-chiến cần-vương có thể duy-trì hay giải-tán là do nơi nguyện-vọng của quần-chúng, chớ không phải do một vài nhà tai-mắt đưa ra. Bữa nay, giờ phút quyết-liệt đã đến, ta không còn có thể do-dự được nữa. Ta nên tiến hay nên thối, nên đánh hay nên hòa, xin quí ngài nói thật ra để chúng tôi biết mà định-liệu. Cử-nhơn Lê-tấn-Toán vừa nói dứt lời thì cử-tọa lại chia làm hai nhóm. Kẻ bàn nên lui, người bàn nên tới, nhưng không ai chịu đứng ra phát-biểu ý-kiến. Cuối cùng phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu phải lên khán-đài để hiếu-dụ: - Nha sơn-phòng và tỉnh-thành đã bị tấn-tiêu tan vỡ. Công việc chưa kịp sắp-đặt cho nên chúng ta phải ở trong một cái thế "kỵ-hổ nan-hạ". Xin qúi ngài nhớ điều ấy cho và người nào muốn chủ-chiến, người nào muốn chủ hòa thì xin đứng ra một bên để cho tiện việc thảo-luận" Tiếng loa vang ra khắp nơi. Tức thì phái bạo-động hội họp riêng và quyết-nghị như sau: "thà đi tới mà chết, vì tới lui cũng chết" Phái bạo-động chiếm đa-số trong hội-nghị đã thắng-thế. Phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu phải lên khán-đài kêu gọi một lần thứ hai : - Sĩ-dân làm việc nghĩa phải có kế-hoạch, chính-sách và phải đứng vào một tổ-chức chung. Như quí ngài đã biết, chúng ta lấy việc cần-vương và bình-tây sát-tả làm cương-lĩnh. Còn về chương-trình và hàng-ngũ, chúng ta vẫn chưa có một kế-hoạch rõ-rệt. Tôi đề-nghị nên lấy hai chữ " Nghĩa-hội" làm danh-hiệu cho phái văn-thân chúng ta, và nên chọn làng Trung-lộc ở về huyện Quế-sơn làm tỉnh-lỵ mới. Quí ngài nghĩ như thế nào, xin cho biết ý-kiến. Mọi người đều tán-thành. Liền khi ấy sĩ-dân phải tụ họp lại để tháo một bản nội-qui cho nhóm văn-thân và cử những bậc danh-vọng lên cầm-đầu Nghĩa-hội. Ban chấp-hành toàn tỉnh gồm có phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu, hội trưởng và các thân-hào Nguyền-Thành, tức Ấm-Hàm và Phan-bá-Phiến tức Ấm-Hổ. Còn việc thâu-nhận nguyệt-liễm, kết-nạp nghĩa-sĩ tại các phủ huyện thì tạm-thời giao cho các vị sau nầy đãm-nhận: Huyện Hà-đông có cử-nhơn Phạm-đạo-Mẫn, tú-tài Phan-đình-Bình; Phủ Thăng-bình có cử-nhơn Nguyễn- Duật; Huyện Quế-sơn có cử-nhơn Lê-Giải, thương-biện Phạm-trọng-Thảng; Phủ Duy-xuyên có bố-chánh Biên-Huyển, phó-bảng Phạm-thanh-Lương; Phủ Điện-bàn có hoàng-giáp Phạm-như-Xương, tiến-sĩ Phạm-Tuấn, tú-tài Lý-thừa-Trạch; Huyện Hoà-vang có ngự-sử Hoàng-bá-Chánh; Huyện Đại-lộc có tú-tài Trần-Thừa tức Trần-Đỉnh và cụ Ô-Gia Đặng-sơn-Tẩu. Nghĩa-hội thành-lập xong, người ta mỗ bò u, vật trâu cổ để lấy huyết làm lễ tuyên-thệ, xong rồi mới giải-tán. Bây giờ là hạ-tuần tháng chạp năm 1885. Cuộc hội-nghị bế-mạc được một ngày thì ban chấp-hành cũng phải lên đường về Tân-tỉnh. Họ vừa mới ra khỏi cổng làng thì đã trông thấy cử-nhơn Lê-tấn-Toán ra đứng chờ sẵn nơi trường-đình. Hai bên nhìn nhau nghẹn-ngào, rồi cùng dắt nhau vào một điếm canh để nói chuyện. Cử-nhơn Lê-tấn-Toán lên ngồi trên bức sập tre, chờ cho phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu tiến tới sát bên cạnh mình, mới rỉ vào tai mà nói: - Tôi có một điều muốn căn-dặn ông nhưng chưa tiện trình-bày. Đất Trung-lộc chưa phải là một nơi an-toàn, vì miền ấy nằm trong một cái lòng chảo eo-hẹp, nghèo-nàn và thông-thương với bên ngoài bằng hai con đường hiểm-trở. Nếu nhất đáng, quân Pháp kéo lên chiếm đèo Rập-cu ở phiá nam để cắt đứt sự liên-lạc với những hạt Thăng-bình, Quế-sơn và đồng-thời chiếm cả khúc sông Thu-bồn từ làng Trung-phước cho tới Đại-cà-tang, nghĩa-binh phải bị bao-vây chặc-chẽ, không thể nào trốn thoát được. Hình như tỉnh-ngộ bởi những lời nhận-xét ấy, phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu cau mày lại, rồi nhìn vào mặt thầy hỏi: - Nếu quả thật như vậy, thầy dạy con toan liệu ra làm sao? Cử-nhơn Lê-tấn-Toán suy-nghĩ hồi lâu mới trả-lời: - Trong sách có câu "Giảo thô tàng tam quật". Tôi thiết-tưởng ông nên theo đó mà thi-hành. Rồi sợ những người đối-diện không thể lãnh-hội ý-kiến của mình, cử-nhơn Lê-tấn-Toán nói tiếp: - Đất Trung-lộc chỉ là đợt thứ nhất trên con đường kháng-chiến. Ở bên kia đèo Rập-cu là miền Quế-sơn và xa hơn nữa là miền Hà-đông với những núi non trùng-trùng điệp-điệp, với những con sông quanh-co khuất-khúc, vô cùng hiểm-yếu. Tại sao ta không phái người sang đấy lập một chiến-khu thứ-hai, để lâm-thời có chỗ mà rút lui. Nếu thực-hiện được việc ấy, ta có thể kéo dài cuộc khởi-nghĩa ít nữa là mười năm và có thể nêu một cái gương tốt cho hậu-thế. Cử-nhơn Lê-tấn-Toán còn muốn trình-bày nhiều hơn nữa. Thấy ba vị chiến-sĩ đứng trước mặt chưa am-hiểu tường-tận, nhà cách-mạng lão-thành lại mò trong túi áo lấy ra một bản họa-đồ, trải ra trên sập mà cắt nghĩa tường-tận hơn: -Ta bắt-đầu với hạt Quế-sơn và ngược theo giòng sông Thu-bồn. Đây là vạn Phước-sơn và miền Thảo-huy Thảo-đế. Công việc thứ nhất phải làm là khuyếch-trương nhàn-điền, biến vùng nầy thành những cánh đồng phì-nhiêu, những thôn-xóm trù-mật. Tiếp theo đó, ta lại theo con sông Tiên-giang vào địa-phận những hạt Thăng-bình và Hà-đông. Xã An-lâm, một căn-cứ thuận-tiện về quân-sự nằm bên tả-ngạn. Công việc thứ nhì phải làm là tích-trữ lương-thực, kiến-thiết tại vùng nầy nhiều thương-khố để nuôi-dưỡng binh-sĩ. Rồi ta cứ đi lên, đi lên mãi mãi. Bây giờ ta vào một cái thung-lũng khá rộng có núi-non bao bọc tứ-vi. Ta sẽ làm quen với những làng mạc xa-xôi, bí-hiễm. Đây là Tiên-lâm, Tiên-hội và Tiên-châu. Ồ xinh quá !! Tương-truyền ngày xưa, hai vị Xích-Tùng và Hoàng-Thạch giáng xuống miền nầy, sau lại dạo qua núi Bàn-cờ ở hạt Duy-xuyên, thử-sức với nhau rồi biến mất. Ta có thể thiết-lập ở đây nhiều đồn-trại, xây đắp nhiều hào-lũy. Công việc thứ ba phải làm là biến vùng này thành một chiến-khu vững-chắc, bền-bỉ. Còn như muốn đi xa hơn nữa, ở về phía cực tây, ta lại có Na-sầm, Phú-thạnh, những xã thôn ở trên trời ơi đất hỡi, Tây nó lặn-lội năm bảy kiếp cũng không thể tới được; ở về phía nam, vượt qua một bình-nguyên, ta lại vào miền Bồng-miêu, Đức-bố nối liền với tỉnh Quảng-ngãi bởi trăm nghìn dãy núi non trùng điệp. Ở bên kia vùng hầm mỏ là những thung-lũng nằm phơi mình dưới ánh nắng với những cánh đồng phì-nhiêu, mênh-mông bát-ngát. Con sông Tứ-chánh tức là sông Ba-kỳ, phát nguyên trong vùng sơn-lâm này, lượn mình uốn khúc nhiều vòng, rồi chảy vào cửa Đại-áp. Ta phải thiết-lập tại đây một căn-cứ-địa thứ ba nữa để yểm-trợ cho khu Tiên-giang thì mới có thể chế-ngự quân-địch. Trình-bày xong cử-nhơn Lê-tấn-Toán lấy bút son gạch hai đường ngoằn-ngoèo trên bản họa-đồ, một đường chạy từ nam ra bắc bao-bọc chiến-khu thứ nhì từ suối Đá cho tới núi Cao-ngạn, và một đường nữa cũng chạy theo ven núi từ đông sang tây, bao-bọc chiến-khu thứ ba, rồi gấp lại đưa cho phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu mà nói: -Muốn bảo-vệ chiến-khu Tứ-chánh ở về phía nam huyện Hà-đông, ta phải xoi hào Kỳ-hưng; còn muốn bảo-vệ chiến-khu Tiên-giang ở về phía tây, ta phải xây lũy Đá-rồng. Hai công-tác ấy phải tiến-hành song song với nhau và không được trì-hoãn. Phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu ghi nhớ tất cả những lời thầy khuyên-nhủ, rồi chuẩn-bị lên đường trở lại. Ba con ngựa Kim vạm-vỡ hí vang trời dậy đất và sắp theo hàng một mà tế thật nhanh. Chỉ trong giây lát hình ảnh ba vị chiến-sĩ đã lẩn-khuất trong đám sương mù. Cử-nhơn Lê-tấn-Toán đứng bên chiếc lũy tre xanh mà nhìn theo, vẻ mặt bơ-phờ y hệt như một người rối-trí. Một hồi lâu sực-tỉnh lại, vị nho-sĩ già-nua mới chắc lưỡi mà than-thở một mình: - Lần nầy là lần cuối cùng thầy trò được gặp nhau! Nói xong tay cầm quạt lông, tay chống gậy trúc, cử-nhơn Lê-tấn-Toán lủi-thủi đi vào trong thôn xóm. Phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu lên tới nhiệm-sở, lo xây đắp thành Tân-tỉnh, tổ-chức các cơ-quan hành-chánh, có bố-chánh sứ, Án-sát sứ cầm đầu; thiết-lập các cơ-quan quân-sự có tán-tướng quân-vụ đứng chỉ-huy và luyện tập dân quân gọi là quân "Đoàn-Kiết" có quản-cơ, đội trưởng, đốc-binh, lãnh-binh thống-suất. Ở trước cửa văn-miếu ông lại bắt thợ tô một câu đối-liễn như sau:
Hơn nữa ông lại bắt sĩ-dân khai mỏ sắt Trung-lộc lấy nguyên-liệu rèn đúc võ-khí, giao cho tú-tài Phan đình Bình phụ-trách việc xoi hào Kỳ-hưng, dựng lũy Đá-rồng. Phái thương-biện Phạm-trọng-Thảng lên Phước-sơn để khai-khẩn nhàn-điền. Sắp-đặt xong xuôi, ông còn bắt nha-lại sao bài hịch "Nghĩa-sĩ Cần-Vương" để phổ-biến trong dân-chúng. Theo song-nguyên Huỳnh-thúc-Kháng bài vè nầy phát-xuất từ miền Nghệ-tịnh. Có một hôm vị đầu xứ Hoàng-phan-Thái đi xem biểu-tình cần-vương, nhơn ghé qua nhà quan án-sát Ngụy-khắc-Đản, thấy dân chúng lấy sạn gạch ném vào bên trong mà hô đả-đảo. Án-sát Ngụy-khắc-Đản đổ Thám-hoa, cùng đi sứ với hiệp-biện Phan-thanh-Giản, tham-tri Phạm-phú-Thứ sang Pháp chuộc ba tỉnh miền đông xứ Nam-việt vào năm 1862. Lúc còn là học trò, Ngụy-khắc-Đản vào dự đình-thí, làm một bài kinh-nghĩa xuất-sắc, được vua Tự-Đức phê tặng bốn chữ "Hạc lập Kê môn". Vì vậy sĩ-dân mới kéo tới tập họp trước nhà và đọc hai câu thơ sau nầy để chỉ-trích:
Cảm-kích vì hai câu lục-bát ấy, vị đầu-xứ Hoàng-phan-Thái làm ra bài hịch Nghĩa-sĩ Cần-vương.Ta ghi bài thơ ấy ra sau để làm tài-liệu:
|