Quan tế-tửu Nguyễn đình Tựu Tên Nguyễn Địch, khỉ-hành từ làng Hội-lâm, trên bờ sông Tiên vào một buổi sớm trung-tuần tháng sáu năm đinh-hợi. Khi ra đi, hắn là một kẻ nho-sinh thông-thường, mặc áo dài đen bằng lụa mã-châu, quần hồng-mào, chít khăn nhiễu kỳ-cầu, xách chiếc ô lục-soạn trên tay. Với lối chưng-diện ấy, hắn thản-nhiên theo những con đường tắc mà xuống chợ huyện, nhưng không ghé vào những chổ tấp-nập, tránh những ngả tư ồn-ào. Một khi gần tới Suối đá, hắn hóa-trang thành một tên hành-khất với làn da đen đủi, bẩn-thỉu, bộ mặt hốc-hác, tiều-tụy, chiếc áo vải thô màu chàm tả-tơi, rách-rưới, chiếc quần bính lòng-thòng bị chó cắn nhiều nơi để da thịt lộ hẳn ra bên ngoài. Một khi vượt qua khỏi những đồn trại của Nghĩa-hội ở tại Đồng-lớn, Cây-sanh, hắn lại cải-trang một lần nữa. Những buổi sớm, người ta thường bắt gặp hắn ở chợ vạn Tam-kỳ, ở Cây-trâm và ở Bến-ván. Hắn ngồi tại đình-thị, một tay cầm chiếc mo đài để xin bố-thí, một tay khác giữ chiếc quạt nan, phe-phẩy cho ruồi nhặng khỏi quấy-nhiểu. Hắn ngâm-nga hoài mấy câu nhật-tụng đã thuộc lòng trước khi rời khỏi quê-hương dấn-thân trên con đường phiêu-bạc. Mỗi khi ngồi khất-thực như vậy, hắn cố-gắng mở mắt nhìn hành-khách cho được rõ. Mấy đứa con nít tinh-ranh tụ-họp đông-đảo chung quanh hắn, bắt chước giọng buồn rầu, trầm-bổng của hắn mà nhái lại thật to: - Tui đui, tui tật nguyền, lạy ông đi qua, lạy bà đi lại cho tôi xin ba hột. Có nhiều đứa táo-bạo chạy tới nắm vai hắn day qua day lại nhiều lần, làm cho ruồi nhặng từ những chổ lở-lói bay ra, như một đàn ong vừa bị phá tổ, tức-thì bọn con nít xô nhau vừa chạy vừa la thật to: -Chết! thằng phung ớ bây. Dân-chúng trong chợ vì bận rộn việc buôn-bán, lính đoàn-kiết ở ngoài đường vì mải lo kiểm-soát cuộc giao-thông trên quốc-lộ, không ai có thì giờ để lưu-ý đến một tên hành-khất quen thuộc, do đó hắn không hề bị người ta để ý. Một buổi sớm khác, hắn tới Dốc Sỏi, chỗ giáp-giới giữa hai tỉnh Quảng-nghĩa và Quảng-nam, đi tách vào thôn xóm rồi biến mất. Một vài ngày sau, hắn lại xuất-hiện trên con đường thiên-lý với trang-phục của một thầy khóa như trước. Hắn ghé lại chợ Châu-ổ, ăn uống no nê rồi đi thẳng vào tỉnh-lỵ, xin vào yết-kiến quan sơn-phòng-sứ Nguyễn-Thân. Bọn lính muốn hỏi lai-lịch, hắn chỉ nói một cách vắn-tắt: - Anh cứ trình với quan lớn là người nhà của quan tế-tửu Nguyễn-đình-Tựu ở Quảng-nam. Một tí nữa, bọn lính chạy trở ra hỏi về mục-đích cuộc thăm viếng. Hắn cũng tiết-kiệm từng lời nói, từng cử-chỉ. Thò tay vào trong túi, lấy ra một phong-bì nho-nhỏ ngày trước hắn đã nhét cẩn-thận trong bâu áo khi còn giả-trang làm người hành-khất, trao lại cho mấy tên sai-nha: - Anh cứ trình lên quan sơn-phòng là đủ. Nhận được bức thư và biết chắc-chắn là bút chỉ của thầy học của mình, Nguyễn-Thân vội-vàng chạy ra đón tiếp và hỏi một cách niềm-nỡ: - Quan tế lúc này có được mạnh giỏi không và có phải ra hợp-tác với bọn phiến-loạn không? Hắn liền phúc-đáp: - Trăm lạy quan lớn, trong mấy năm gần đây, chủ tôi thường hay bị cảm gió, nhưng sức-khỏe vẫn không hề suy-giảm. Vào mùa hè năm Ất-dậu, chủ tôi đương làm tế-tửu Quốc-tử giám. Gặp lúc kinh-thành bị thất-thủ, nhà vua chạy ra Tân-sở, Thọ-xuân-vương lên nhiếp chánh-quyền, chủ tôi phải tuân theo mệnh-lệnh của những người đương-chức mà vào làm sơn-phòng-sứ tại Dương-yên. Chủ tôi vừa mới bàn-giao với quan tiến-sĩ Trần-văn-Dư được có mấy ngày thì nhân-dân lại nổi-loạn, kéo lên vây-hãm thành-trì. Biết tình-thế đã biến-chuyển, chủ tôi đem ấn-kiếm trả lại cho tiến-sĩ Trần-văn-Dư, rồi âm-thầm đi về làng Phú-thị, thuộc huyện Hà-đông để lánh nạn. Vào khoảng mùa xuân năm bính-tuất, quân Pháp kéo lên bắn phá vùng Dương-yên. Tiến-sĩ Trần-văn-Dư chống cự không nỗi, phải bỏ thành-trì mà chạy về quê nhà, sau lại trở ra yết-kiến chính-quyền địa-phương và bị giết tại Vĩnh-điện. Bọn văn-thân biết thế kỵ-hổ nan-hạ, bèn tổ-chức đảng Cần-vương trở lại và mời những người tai-mắt ra lãnh-đạo phong-trào. Phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu, người ở làng Thanh-hà, phủ Điện-bàn, được dân-chúng cử lên thay thế tiến-sĩ Trần-văn-Dư. Biết mình không có đủ uy-tín để liên-kết thân-hào, nhân-sĩ ở trong nước, phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu có thân-hành đến Phú-thị hai lần với tư-cách là môn-sinh, để mời chủ tôi ra làm đảng-trưởng. Cả hai lần, chủ tôi đều viện cớ tuổi già, sức yếu để từ-chối. Từ đấy chủ tôi bị liệt vào sổ tình-nghi và thường hay bị các nhà chức-trách trong Nghĩa-hội làm khó dễ. Bọn tay sai của Nguyễn-duy-Hiệu về làng Phú-thị, bắt chủ tôi phải triệt-hạ hết mấy ngôi nhà gạch, lấy cớ rằng trong khi tuần-trấp tại huyện Hà-đông, quan khâm-sai Phan-thanh-Liêm có ghé vào nhà ở lại đến hai lần. Hơn nữa bọn thủ-hạ của Nguyễn-duy-Hiệu còn làm tờ báo-cáo về Tân-tỉnh, buộc chủ tôi vào tội ám-thông với giặc và xin đem ra trảm-quyết. Ban tham-mưu Nghĩa-hội họp lại và tán-thành ý-kiến ấy; chỉ có một mình phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu phản-đối và nói những lời hết sức cảm-động: - Trước khi khởi-nghĩa, bọn ta đều biết răng việc lớn sẽ không thành. Bọn ta vẫn cử-sự là chỉ vì hai chữ danh-nghĩa đó mà thôi. Gẫm lại cho kỹ, trên danh-nghĩa chỉ có quân-sư là điều tối quan trọng. Nay ta ra phò vua mà lại mang tiếng giết thầy, thì biết ăn nói làm sao với quốc-dân, biết lấy gì bày tỏ với hậu-thế. Nguyễn-duy-Hiệu không chịu thi-hành cái án ấy và chỉ buộc chủ tôi phải dời nhà về chánh-quán là làng Hội-lâm, trên bờ sông Tiên để tránh việc tiếp-xúc với bọn Pháp. Hơn nữa Nghĩa-hội còn phái hai tên lính hương dõng theo hầu sát bên cạnh để dò-xét hành-động của chủ tôi và báo-cáo lên cấp trên. Từ mùa hạ năm bính-tuất cho tới bữa nay là năm đinh-hợi, thấm-thoát gần một năm trời, chủ tôi phải sống như con cá trên thớt, phập-phồng lo sợ ngày đêm. Nói tới đó, tên Nguyễn Địch có vẻ cảm-động, cúi xuống lấy chéo áo lau nước mắt, rồi thưa tiếp : - Gần đây chủ tôi xem xét tình-hình và thấy Nghĩa-hội đã đến lúc tan rã. Chủ tôi có dặn tôi vào trình lại với quan lớn rằng sự thế đã đến lúc chín muồi, xin quan lớn cấp-tốc cử-binh ra ngoài ấy để đánh cho bọn phiến-loạn môt đòn tối-hậu. Nếu quan lớn làm được việc ấy, không những quan lớn đã cứu tính-mạng chủ tôi, mà còn có thể thâu được thắng-lợi về mình. Trình-bày xong, tên Nguyễn Địch đứng dậy, đi qua đi lại trong phòng mà khóc. Nguyễn-Thân cũng cảm-thấy khó chịu, liền bảo tên Nguyễn Địch tiến tới sát bên mình và nói rất khẽ: - Tôi vừa mới đi dẹp loạn Mai-xuân-Thưởng tại Bình-định. Nhờ có quan đốc-phủ-sứ Trần-bá-Lộc ra thay thế, tôi mới có thể trở về Quảng-ngãi để dưỡng-sức một thời-gian. Hôm qua tôi lại nhận được lệnh triều-đình bảo tôi kéo quân ra Quảng-nam để cùng với quan Khâm-sai Phan-thanh-Liêm tiễu-trừ bọn phiến-loạn. Tôi sẽ có mặt ở ngoài ấy trong vòng một tuần nhật. Anh nên về thưa lại với quan tế-tửu phải hết sức thận-trọng và chuẩn-bị sẵn-sàng để tiếp-xúc với tôi ngay khi có cơ-hội.
|