Phong-thái của những bậc anh-hùng Làng Thanh-hà, ở cách tỉnh-lỵ Hội-an chừng hai cây số, là một vùng nổi tiếng về nghề hầm ngói. Trên con đường từ Vỉnh-điện ra tới bể, qua khỏi cánh đồng La-qua rộng man-mác, qua khỏi mấy uông cát thâm-thấp, dọc theo cái hói khá xinh đẹp, là những lò gạch khổng-lồ, cao chót vót, lợp bằng tranh in hệt những tổ ong vỏ-vẻ nằm san-sát trên mặt đất. Phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu đứng tần-ngần một hồi lâu trước những cái hỏa-lò rất quen thuộc ấy, đưa mắt nhìn chăm-chú những khúc gỗ khô-khan, nặng-nề đương cháy nghi-ngút trong đống lửa, chốc chốc lại phun ra ngoài trời những làn khói đen nghịt, bao-phủ những căn nhà tranh thâm-thấp nằm chen-chúc dưới chân đồi. Bất-giác nhà cách-mạng sực nhớ đến những ngày êm-đềm, vô-tư trong thời-kỳ thơ-ấu, khi chiến-tranh chưa bùng nổ, khi dân-chúng còn hưởng sự thanh-bình, quê-hương đất nước có vẻ thi-vị, xinh-tươi như một bức tranh thuỷ-mạc. Càng đi sâu vào quá-khứ, ông càng liên-tưởng đến những buổi học ở tại trường Hà-lộc. Những lời khiển-trách dịu-dàng, nhã-nhặn của vị tôn-sư, hình ảnh cử-nhơn Lê- tấn-Toán cứ theo thời-gian mà sống lại, oai-nghi, lẫm-liệt, rồi lại tan đi, nhường chỗ cho hình ảnh những cuộc thảo-luận sôi-nổi ở trên giòng sông, những lúc ngâm-hoa vịnh-nguyệt với chúng bạn. Thủơ xưa, mỗi lần bãi học, ông lại rủ một vài người tâm-giao ra ngồi chơi trên bờ hói, bàn-luận về những vị anh-hùng, liệt-nữ, những văn-nhân thi-sĩ vùng sông Thu. Chính lúc bây giờ, những âm-điệu thâm-trầm, uyển-chuyển trong bài "Quá giang" của tổng-đốc Hoàng-Diệu lại theo gió bay về, ngưng đọng trong không-gian, âm-vang lờn-vờn trên chòm cây, bụi cỏ, từng chữ từng chử rung động vào tâm:
Nhà cách-mạng đọc đi đọc lại lẩm-nhẩm trong trí hai câu kết của bài đường-thi, vì tâm-sự của người xưa khi chuẩn-bị sang sông cũng có nhiều chỗ thích-hợp với hoàn-cảnh của mình. Một khi đã qua khỏi xóm lò gạch, ông rẽ về phía bên trái, theo một con đường hẽm chạy ngoằn-ngoèo ở giữa những căn nhà tranh lúp-xúp, băng qua một vài nông cát, có dương-liểu mọc sum-sê, cuối cùng mới dừng bước ở ngoài một cái cổng vôi có nhiều chà gai làm chướng-ngại-vật. Ông nhìn vào trong ngôi vườn bỏ hoang, ngậm-ngùi thổn-thức trong giây-lát. Dẹp ngay những mối xúc-động trong lòng, ông quay lại nói với cử-nhơn Phan-bá-Phiến còn đứng tỉnh ruội ở đằng sau như một pho-tượng: - Chúng nó đã thiêu-hủy tất cả sự-nghiệp của tiên-nghiêm tôi để lại! Tỏ bày hết nỗi-niềm của mình, ông mạnh bạo đẩy mấy gốc tre ra một bên, trèo thêm một vài bậc tam-cấp, đi thẳng vào cái sân lát gạch có rêu xanh mọc lún-phún nhiều nơi. Những cây hòe, cây bông bụt, cây tường-vi đương tiếp tục nở hoa ở một góc. Hai nhà cách-mạng đi dạo một hồi chung quanh mấy cái nền nhà bỏ trống, xem xét lại những cây mít, cây xoài thâm-niên còn đứng trơ-vơ với thời-gian, bày lên trên cao vút những cành khô đen-đủi, dấu vết của một cơn hỏa-hoạn ác-liệt. Bên cạnh ngôi vườn hoang-phế có một ngôi vườn khác nhỏ hẹp, với một cái lều tồi-tàn, xiêu vẹo. Nghe tiếng động, một người nông-dân với nét mặt tê-tái, dáng-điệu bơ-phờ, vội-vã chạy sang, nhìn hai người khách trong nháy mắt, rồi không cầm được nổi ngạc-nhiên, liền chạy vụt về phía phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu nói hơi lớn: - Ủa, chú đã về! Nhà cách-mạng đưa tay lên để ra dấu cho người bà con mình nói khẽ xuống một chút, rồi hỏi tiếp - Mấy lúc nay vợ chồng anh làm ăn ra sao? Người nông-dân lắc đầu uể-oải, buồn-bã trả-lời: - Không ra chi hết chú ạ, tụi Pháp, tụi quan-trường kéo tới đốt nhà, bắn phá tứ tung. Chúng nó còn doạ-dầm, khủng-bố gia-đình chúng tôi nữa là khác. Từ khi ông bên nhà quá-cố, chú đi vắng lên miền thượng-du, vợ con tôi hết chỗ nương-tựa, tình-thế càng ngày càng quẩn-bách. Mấy đứa con nhỏ dại đã theo mẹ nó mà qua đời hết trơn hết trọi, tôi còn sống-sót dây-dưa, muốn kêu trời về bắt tôi chết theo vợ con cũng không được. Người nông-dân vừa kể-lể, vừa để hai giòng nước mắt chảy ràn-rụa. Phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu khuyên y nên dẹp nỗi uất-ức trong lòng, nên nói hết sức khẽ cho hàng xóm không nghe-ngóng được, đoạn mới dò hỏi đến gia-đình của mình. Người nông-dân im-lặng một chặp lâu như để dằn lại nỗi buồn và hồi-tưởng lại những kỹ-niệm xa-xăm mà thới-gian đã làm cho phai lạt rồi nói vừa đủ nghe: - Bà Mai thị Liễu, chánh-thất của chú với chín con; bà hầu, với một con, đều bị xiềng-xích và giải vào Quảng-ngãi để thuộc quyền ông Nguyễn-Thân xét-xử. Từ ấy đến nay họ bị giam-giữ nghiêm-nhặt, cho nên không thể nào biết tin-tức được. Trình-bày xong, người nông-dân thở một hơi thật dài kết-luận: - Gia-biến! ông bà ngày trước có làm gì đâu, mà đến nay con cháu phải lầm-than như thế. Rồi y lảo-đảo tiến về phía một cái miễu còn bỏ sót lại trong một góc vườn, vén tấm mành ngũ-sắc lên, chỉ mấy tấm bài-vị sắp đặt ngổn-ngang ở trên bệ mà khóc. Lúc bấy giờ mặt trăng đã nghiêng hẳn về phương tây. Trong thôn xóm một vài con gà thấy ánh trăng tưởng là bình-minh ló dạng, vội-vàng đập cánh thi nhau gáy. Phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu giục người bà con hướng-dẫn mình đi ra thăm ngôi mả của thân-phụ. Khi tới nơi, ông cúi sát xuống mặt đất, kính-cẩn lạy bốn lạy để trả nợ sinh-thành, xong cùng với cử-nhơn Phan-bá-Phiến băng cánh đồng đi về miền duyên-hải. Hai người lặn-lội nhiều ngày trong làng Hà-my, ngay trên bờ bể, lẩn-lút trong nhà đồng-chí hay cải-trang làm ngư-phủ, cho thuyền trôi-nổi lênh-đênh trên giòng sông Đế-võng. Có một hôm, cử-nhơn Phan-bá-Phiến thôi-thúc ra đi, vì tình-hình càng ngày càng khẩn-cấp. Một mặt lệnh tầm-nã đã loan-báo khắp nơi, mặt khác, bọn thám-tử của viên tuần-vũ Quảng-nam, bọn lính sơn-phòng của Nguyễn-Thân cứ về tận những vùng thôn-quê hẻo-lánh để rình-mò, khám-xét và uy-hiếp tinh-thần dân-chúng. Trong những giây-phút ấy, phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu vẫn bình-tĩnh trả-lời một cách tự-nhiên: - Tôi cũng muốn di-chuyển đến một nơi khác xa-lạ, kín-đáo hơn, nhưng hiện nay còn hai công việc khá quan-trọng tôi muốn chu-toàn. Trước hết tôi phải chờ cho tới húy-nhật của thầy học chúng ta là cử-nhơn Lê-tấn-Toán tại làng Hà-lộc, vì chúng ta không thể nào vong-ân bội-nghĩa đối với một bậc tôn-sư. Thứ nữa tôi đã hứa gặp mặt một vài đồng-chí ngay tại đây; nhiên- hậu, chúng ta mới có thể có một thái-độ dứt-khoát, còn bây giờ thì tiến-thối đều lưỡng-nan cả. Thời-gian bay qua vùn-vụt đối với những kẻ bàng-quan, nhưng cũng dài ngàn thu đối với những người trong cuộc. Các đảng-viên ngày trước thì trốn-tránh nhiệm-vụ, không dám lui tới. Mãi tới phút cuối cùng, mới thấy tú-tài Lý-thừa-Trạch, tức là đội Sơn, ở làng Minh-hương phủ Điện-bàn và thương-biện Phạm-trọng-Thảng ở làng An-tây huyện Quế-sơn mạo-hiểm về tập-họp cấp-tốc trong ban đêm. Tú-tài Lý-thừa-Trạch nói: - Tôi đã thuê xong một chiếc ghe mành ở Hội-an và sẽ chọn những người tín-cẩn để lèo-lái. Xin chủ-súy cùng chúng tôi đi trở về thị-xã cho gấp để tiện việc xuất-ngoại, còn mãi nấn-ná ở lại chốn nầy, thì không thể nào lọt ra ngoài trùng-vi của địch. Phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu suy-nghĩ một hồi lâu rồi rắn-rỏi trả-lời: - Bỏ trốn là một điều hèn-nhát, không xứng-đáng với một người quân-tử. Tú-tài Lý-thừa-Trạch thưa lại: - Đành vậy, nhưng lần này chủ-súy chỉ đi lánh mặt môt thời-gian để mưu-đồ đại-sự về sau. Như vậy chúng ta vẫn theo đúng tôn-chỉ của Nho-giáo và không có điều gì phải thắc-mắc đối với dân-chúng. Nghe câu ấy, phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu nhìn cử-nhơn Phan-bá-Phiến ngồi điềm-nhiên một bên, mĩm cười nói: - Quan-án nghĩ sao thì nghĩ, riêng về phần tôi, tôi thấy bỏ các đồng-chí, xa rời cơ-sở để tìm chỗ yên thân, ở bên Trung-hoa hay bên Hương-cảng, dẫu cho tạm-thời đi nữa, cũng là đắc tội với tiên-triều, với tổ-quốc. Tôi sẵn-sàng hy-sinh để chịu tội với các vị tiên-liệt. Cuộc gặp mặt phải chấm-dứt ngay, ai nấy cũng ngậm-ngùi trong giờ lâm-biệt. Rạng ngày mai, hai nhà lãnh-tụ Cần-vương lại cải-trang, chờ lúc dân-chúng đi hết ra khơi, kẻ đi nhặt sài-hồ về bán lại cho các tiệm thuốc bắc, người bơi mũng đi câu tôm cá, họ mới dám cùng nhau tiến về làng Hà-lộc. Tới nơi, thấy cảnh vật thay đổi rất nhiều sau ba năm xa cách, phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu lên tiếng gọi cửa. Người con trưởng-nam mặc áo-chế đã nhùng-nhục chạy ra đón tiếp, không khỏi ngạc-nhiên vì cuộc gặp-gỡ: - Thầy tôi đã vãng từ năm ngoái khi bị tỉnh đòi vào Vĩnh-điện. Trong thời-gian còn sống, thầy tôi thường nhắc đến chú luôn và không giờ phút nào là không cầu-nguyện cho Nghĩa-hội được thắng-lợi. Nói chưa dứt lời, không thể dằn được mối cảm-xúc, y lấy vạt áo tang ra lau nước mắt ràn-rụa trên hai gò má. Mấy đứa cháu nhỏ đứng nhìn khách trò-chuyện, thấy vậy cũng bùi-ngùi lánh xuống bếp. Phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu đi về phía bàn thờ, chỗ rất quen thuộc ngày trước, lấy một thẻ hương, bật diêm châm và cắm vào trong cái lư đồng trên châu-án. Ông cúi sát xuống mặt đất, kính-cẩn lạy bốn cái, xá ba cái, y hệt như cách đó không bao lâu, ông đã làm trước ngôi mộ song-thân lần cuối cùng trong những giờ phút quyết-liệt. Cũng chỉ từng ấy cử-chỉ, từng ấy lời tâm-niệm, nét mặt bao giờ cũng rắn-rỏi, cương-nghị, không mảy-may để lộ ra niềm xót thương, vẻ đau-đớn. Người ta chỉ thâu-nhận được mấy câu phân-trần ngắn-ngủi mà nhà chí-sĩ Cần-vương đã thốt ra trong giờ ly-biệt: - Tôi muốn chờ tới ngày húy-nhật để về lạy bàn thờ và trả nợ sách đèn cho thầy, nhưng hiện nay tình-thế không cho phép. Rồi phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu vội-vả lên đường. Một khi ra ngoài cổng, ông quay lại nói khẽ với cử-nhơn Phan-bá-Phiến: - Bây giờ ta đã trút được hai gánh nặng ở trên vai, chỉ còn lo trả nợ cho tổ- quốc. Ta phải theo bờ bể đi ra Ngũ-hành-sơn, luôn tiện viếng mộ quan ngự-sử Huỳnh-bá-Chánh, rồi nhiên-hậu, ta sẽ bàn đến những công việc phải làm. Cử-nhơn Phan-bá-Phiến gật đầu, cùng với chủ-súy đi băng qua một cánh rừng thông có nhiều bụi cỏ gấu mọc lởm-chởm dưới chân. Vài đứa con nít đi nhặc lá vàng đứng nhìn ngơ-ngác. Chẳng bao lâu họ đã trông thấy biển Thái-bình-dương bao-la, xanh thẳm với những làn mây trắng nhẹ-nhàng trên quần-đảo Chiêm-thành. Hai người cứ dọc theo vùng duyên-hải mà đi về hướng bắc, men theo con đường mòn trên bãi cát, vừa đúng ngọ họ tới làng Khái-đông, bên cạnh dãy Ngũ-hành-sơn. Phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu vào ẩn núp trong một cái động, chờ lúc mặt trời gần lặng, vắng người, mới trèo lên Vọng-hải-đài ngồi xem phong-cảnh. Chim chóc từ những thôn xóm chung quanh đã rủ nhau bay về tổ trong hang đá, kêu ríu-rít. Chùa Non-nước tĩnh-mịch, mấy tiếng chuông thanh-tao, huyền-ảo theo gió vang lên, mỗi lúc mỗi nhỏ dần rồi rơi hẳn vào chốn hư-vô man-mác. Nhà lảnh-tụ Cần-vưong nhìn khắp cảnh-vật hồi lâu và trong giây-lát, sực nhớ đến hai câu thơ của Trương-đăng-Quế, một nhân-vật trong triều Tự-Đức, đã sáng-tác trên con đường ra Huế nhậm-chức, khi vừa mới đến Hải-vân quan:
Phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu quay mặt về phía cử-nhơn Phan-bá-Phiến ngậm-ngùi, thổn-thức nói: - Cần-vương ở miền nam, nhất là ở ba tỉnh Nam-Ngãi-Định thì ông và tôi thật cầm đầu. Tôi liệu chừng phong-trào ở Thanh-Nghệ-Tịnh, ở Bắc-Việt cũng sẽ thất-bại, binh-bị sẽ phải tan-rã. Không sớm thì muộn tất cả sĩ-phu cần-vương trong ba tỉnh ắt bị người Pháp bắt giết hết. Việc đã không thể làm thì chỉ có chết mà thôi. Nhưng hai chúng ta cùng hy-sinh một lúc là vô-ích. Vậy ông nên chết trước thì hơn để đền nợ cho tổ-quốc. Còn tôi, tôi phải nấn-ná một thời-gian để hoàn-thành nhiệm-vụ của một người thủ-lãnh, nhiên-hậu tôi sẽ noi theo gót ông mà cùng về nơi chín-suối. Tôi sẽ giải-tán Nghĩa-hội và sẽ đem thân cho Pháp bắt. Một khi ra trước tòa-án, tôi sẽ tìm lời giải-thoát cho các đồng-chí. Một mình tôi chết thì không đáng tiếc, nhưng còn người sống thì Nghĩa-hội sẽ còn tồn-tại. Nếu ngày sau có kẻ noi theo cái chí-hướng của ta mà thành-công tức là ta còn sống đó. Cử-nhơn Phan-bá-Phiến bằng lòng ngay, khẳng-khái đứng dậy, lấy bộ triều-phục ra mặt vào, mang đai, đội mão, quay về Trường-an mà lạy nhà vua năm lạy, rồi quay về phía phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu, kính cẩn lạy mà nói: - Thôi ông hãy gắng-sức ở lại, tôi danh-vị thấp hơn, cho tôi xin đi trước. Nói xong cử-nhơn Phan-bá-Phiến mở chiếc khăn gói, lấy ra một túi thuốc độc đã trữ sẵn từ trước. Như phần đông các chiến-sĩ Cần-vương, ông có chí phò vua, chống Pháp cho đến lúc chết mới thôi. Ông chưa kịp nhắm liều thuốc độc chứa đầy chính-khí, thì phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu đã vội-vàng chạy tới, cầm lấy tay đở lên thật cao mà nói: - Khoan đã! ông là người có công với Nghĩa-hội hơn tôi nhiều lắm, xin mời ông ngồi lên cho tôi lạy sống ông năm lạy, còn hơn là ngày sau đứng trước bàn thờ mà lạy thần-chủ. Cử-nhơn Phan-bá-Phiến lắc đầu, chắp hai tay lại mà vái thật nhanh, rồi luôn tiện bưng lấy gói thuốc, thản-nhiên bỏ vào miệng mà nhắm mắt. Bây giờ là hạ-tuần tháng tư năm đinh-hợi. Phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu đứng nhìn người bạn rảy-rụa một hồi lâu cho tới khi thân-thể tứ-chi lạnh ngắt, quả tim ngừng đập hẳn, mới từ từ hạ-sơn, đi tìm một cái nhà tranh ở dưới chân núi để báo: - Tôi là hường-lô Nguyễn-duy-Hiệu, người cầm đầu Nghĩa-hội, mấy lâu nay bị chính-phủ Nam-triều ra lệnh tầm-nã. Tôi có một đồng-chí nữa vừa mới tự-vận ở trên Vọng-hải-đài. Xin anh đi trình công việc nầy với nhà chức-trách cho tôi và cứ trói tôi dẫn tới tỉnh-đường mà lảnh-thưởng. Người nông-dân sợ tái mặt, cúi đầu xuống sát đất, lạy chí-tử mà nói : - Tôi có nghèo cực thì tôi chịu, chớ không bao giờ tôi có thể làm việc ấy. Xin ngài tạm-trú với tôi một đêm, ngày mai tôi sẽ có diệu-kế. Vừa nói xong, người nông-dân ra sập chiếc mành, gài then cho thật kín, rồi xuống bếp thổi lửa nấu cơm để khoãn-đãi vị qúi-khách. Trong khi ấy, nghe tiếng động, một người hàng xóm, cũng là một nông-dân có biết chữ, chuyên về nghề thợ đá, rón-rén chạy sang, nhìn qua khe phên nứa, hiểu biết hết công việc, liền trở về thu-xếp đồ đạc, dặn-dò vợ con, rồi tức-tốc chạy lên nha báo với quan huyện sở tại. Rạng ngày mai, một mặt, nhà chức-trách tới chùa Non-nước khám-xét tử-thi, lập ngay biên-bản, mặt khác viên tuần-vũ Quảng-nam phái lính tới bao-vây làng Quán-cái khắp bốn mặt. Lúc bấy giờ phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu đã từ-giã người nông-dân và trèo lên hòn Mộc, một trong năm hòn núi Ngũ-hành, nằm nghỉ trong một cái động. Lính Nam-triều tìm thấy, hô-hoán lên và chạy tới hỏi: - Ông có phải là phản-tặc Nguyễn-duy-Hiệu hay không? Vị thủ-lãnh Cần-vương thong-thả gật đầu nói: - Chính tôi là thủ-lãnh Nghĩa-hội, các anh cứ bắt tôi mà đem nộp cho nhà chức-trách. Bọn lính Nam-triều lấy dây dừa trói xắp-ké bị can và giải về tỉnh-lỵ. Sau đấy hai hôm, Nguyễn-Thân từ Quảng-ngãi lên đường ra Vỉnh-điện ngay và hạ lệnh cho viên tuần-vũ sở tại bỏ nhà chí-sĩ Cần-vương trong một cái củi heo, rồi đem biểu-diễn khắp mọi nơi, từ thành-thị cho đến những miền thôn-quê hẻo-lánh. Đoàn quân áp tải theo con đường quốc-lộ, ra Cẩm-lệ lên chợ Túy-loan, trở vào Ái-nghĩa, và băng qua miền Chín-xã sông-con. Thỉnh-thoảng họ lại dừng bước tại những nơi tấu-tập để cho dân-chúng có thể mục-kích tường-tận. Cụ Sơn-tẩu Đỗ-đăng-Tuyển ở làng Ô-gia, lúc ấy mới có mười tám tuổi, trông thấy nhà cách-mạng Cần-vương, liền nắm tay lại vỗ ngực thật mạnh mà nói với quần-chúng: - Tôi thề sẽ báo-thù cho đến lúc chết. Liền khi ấy, ông trở về nhà, lấy mã-tiền thạch-tín bỏ sẵn vào trong một cái túi áo, và đi liên-lạc với các đồng-chí để tiếp-tục cuộc tranh-đấu. Ở làng Phú-thuận, thuộc phủ Duy-xuyên, cử-nhơn Nguyễn-tử-Thảng, nguyên kiễm-lý hạ-du trong Nghĩa-hội, vẫn còn nằm mê-man trên giường bệnh. Từ ngày bị cảm nặng ở vùng suối Nóng, hạt Quế-sơn, phải thuê người võng về quê-hương, bệnh tình của ông không hề thuyên-giảm. Có nhiều đêm ông nằm chiêm-bao, thấy phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu thân-hành đến thăm viếng và hai người thân-mật trò chuyện với nhau. Bữa nay ông vừa mới trải qua một cơn sốt trầm-trọng, nghe tín chủ-soái bị bắt, nhốt vào trong một chiếc cũi đem đi khắp nơi để trấn-tỉnh dân-chúng, ông trợn mắt, thở ra một cái rồi cấm-khẩu mà chết không kịp chạy chữa. Chính trong lúc ấy, đoàn quan quân, kèn, trống thính la đi trước, vẫn theo truông Phường-ranh vào chợ Trung-phước, vượt qua đèo Le, dừng lại một đêm tại chợ Việt-an, rồi theo đường núi vào làng Phú-lâm. Nghe tin chủ-súy bị bắt, tú-tài Lý- thừa-Trạch, tức Đội-Sơn cùng với một vài đồng-chí ra đứng chực ở bên đường cho tới khi chiếc cũi đi qua, ứa nước mắt dầm-dề vạt áo, mới chịu trở về. Từ đấy, ông cho dời tất cả vợ con vào miền sơn-cước để cho khỏi bị quân Pháp hành-hạ. Khi có lệnh đầu-thú, ông vẫn một mực phản-đối mà nói: - Anh-hùng làm việc, không quay đầu bao giờ. Ông trốn mãi trong núi Trà-cai, thuộc về huyện Tiên-phước, sống ẩn-dật cho tới khi chết. Phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu phải tiếp-tục cuộc hành-trình, theo gót giày của quân-thù, theo các điệu nhạc bát-âm của các quan sở-tại. Ra tới chợ Mới, Cẩm-khê, thuộc phủ Tam-kỳ, đoàn áp-tải dừng một vài phút để nghỉ chân. Lúc bấy giờ một số đảng viên đương vào ra ngôi nhà quan tế-tửu Nguyễn-đình-Tựu ở làng Phú-thị, cách đấy chừng vài ba cây số. Họ là những kẻ thấy cùng đường phải ra đầu-thú qua sự trung-gian của một vị khoa-bảng trong tỉnh. Nghe tin chủ-súy bị bắt và bị dẫn đi trình-diện cho dân-chúng, họ chạy ra để nhìn mặt một lần cuối cùng. Gặp nhau trở lại ở bên đường sau nhiều ngày xa cách, họ lặng đi trong đau buồn. Tất cả những kỷ-niệm xa xưa của một thời-kỳ đấu-tranh oanh-liệt lại theo cơ-duyên mà hiện về trong tâm-trí. Nhưng họ phải bó tay mà chịu, vì quân-thù trang-bị vũ-khí tối-tân, vũ-khí Việt-nam lại quá thô-sơ, lạc-hậu. Ai nấy nhìn vị thủ-lãnh ngồi tỉnh-ruội ở trong lồng mà ngậm-ngùi thương-xót. Phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu cũng cảm-xúc mãnh-liệt. Biết rằng một lát nữa đoàn áp-tải sẽ lên đường và mình phải vĩnh-biệt các đồng-chí thân-mến, ông liền xé vạt áo, cắn đầu ngón tay, lấy máu thấm vào cán bút lông rồi viết thoăn-thoắt một bài thơ "cảm-tác" như sau:
Viết xong, phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu cầm tấm vải ném ra đường vào chỗ có nhiều người tụ-tập để tiễn-biệt. Một chiến-sĩ cần-vương nhặt lấy bài thơ đem phổ-biến ra trong dân-chúng. Vị thủ-lãnh Nghĩa-hội phải bị áp-tải về tỉnh-lỵ Quảng-nam, tại đây người con trai của ông đã bị bắt được nhốt chung vào trong củi. Đoàn quan quân tiếp-tục cuộc hành-trình, đưa chiếc củi lịch-sử từ Vĩnh-điện cho tới Thuận-hóa, trên con đường thiên-lý dài dằng-dặc.
|