"Những
kẽ vá trời khi lở bước"
Chiếc tàu Lạc-long của công-ty Bạch-thái-Bưởi rời bến sông Hàn, ra khỏi vũng Thùng thì gặp lúc trời xấu, sóng lên cuồn-cuộn, chiếc tàu theo chiều gió chướng cứ chòng-chành trên mặt biển như một quả lắc đồng-hồ và tiến lên một cách mệt nhọc, khó-khăn. Hành-khách nằm sóng soài trên cầu tàu, ai nấy cũng mang gông-cùm xiềng-xích trên thân, phần đông là những chính-trị phạm vừa mới liên-can vào vụ xin xâu tại Trung-Việt. Nhóm văn-thân Quảng-nam nằm tại khoang giữa gồm có Ấm-sanh Nguyễn-Thành, tiến-sĩ Huỳnh-thúc-kháng, cử-nhơn Phan-thúc-Duyên, cử-nhơn Lê-bá-Trinh. Nhóm văn-thân Nghệ-an, Hà-tịnh nằm ở khoang thuyền phía sau, gồm có tiến-sĩ Ngô-đức-Kế, cử-nhơn Lê-văn-Huân, cử-nhơn Đặng-văn-Bá và nhà chí-sĩ Đặng-nguyên-Cẩn, ngoài ra lại còn có Ấm-sanh Lê-đình-Mộng ở tỉnh Thừa-thiên và một số dân-chúng nữa. Lúc chiếc tàu vượt qua khỏi bán-đảo Tiên-chà thì gió bắt đầu êm, sóng lặn dần. Các nhà quốc-sự-phạm mới bắt đầu làm quen và qua lại chuyện trò thân-mật với nhau. Tiến-sĩ Huỳnh-thúc-kháng nhìn về phía đất liền, thấy ba chiếc ghe mành đương rời bến Mỹ-khê căng buồm chạy về hướng nam như muốn đua với chiếc tàu thủy chạy bằng cơ-khí. Nhà cách-mệnh liên-tưởng ngay đến bài thơ của tú-tài Huỳnh-Quì làm hộ cho một người đán bà góa ở chợ Bàn-thạch thuộc phủ Duy-xuyên. Người thiếu-phụ xấu số nầy lấy chồng vừa được một năm tròn thì đấng phu-quân, vì hỏng thi phải bỏ nhà đi vong biệt-vô âm-tín. Lúc bấy giờ, mấy lời mở đầu bài thơ được dân-chúng hết lời truyền-tụng vẫn như còn vang-vọng đâu đây:
Tiến-sĩ Huỳnh-thúc-Kháng còn mãi ngắm cảnh-vật nơi quê-hương mà từ đây ông phải tạm-biệt một cách bất-đắc-dĩ, thì từ phía sau, một hành-khách, mặt hình chữ dụng ngăm-ngăm đen, trán gồ rộng, lưỡng-quyền cao, mắt sâu hoắm, trông có vẻ tầm-thước, cương-nghị, nhẹ-nhàng bước tới. Khi chỉ còn cách tiến-sĩ Huỳnh-thúc-Kháng có một thước mộc, người hành-khách giơ cánh tay lên, đập nhẹ vào vai người bạn đồng-hành và nói: - Bác nghè Thanh-bình, tôi nghe tiếng bác đã lâu mà bữa nay mới gặp, thật là trời còn ngó lại bọn nho-sĩ chúng ta! Rồi không muốn để tiến-sĩ Huỳnh-thúc-Kháng phải bỡ-ngỡ lâu trước một người lạ, ông nói tiếp để tự giới-thiệu với nhóm văn-thân Quảng-nam còn nằm bề-bộn trên cầu tàu: - Đây là Ngô-đức-Kế ở huyện Can-lộc, tỉnh Hà-tịnh. Tiến-sĩ Huỳnh-thúc-Kháng mở cặp mắt bác-học ra nhìn, nửa vui-mừng nửa ngạc-nhiên rồi nói một cách trịnh-trọng: - Ủa! té ra ông tiến-sĩ họ Ngô cũng có mặt tại đây, thảo nào mà bọn tớ phải lên đường vào Côn-đảo. Ấm-sanh Nguyễn-Thành nghe hai bên trò-chuyện thân-mật với nhau cũng chồm-ngồm đứng dậy. Chưa kịp chào hỏi mọi người thì nhà chí-sĩ Đặng-nguyên-Cẩn từ phía sau khoang tàu cũng vừa chạy tới, quay mặt về phía tiến-sĩ Ngô-đức-Kế mà nói ra vẻ quen thạo lắm: - Bác Nghè Can-lộc! bác quên rồi sao? đây là Tiểu-la tiên-sinh! Nghe nói đến tánh-danh nhà đại-chí-sĩ Nguyễn-Thành, tiến-sĩ Ngô-đức-Kế không giấu được nỗi hân-hoan, liền chạy tới trước mặt một nhân-vật vạm-vỡ, nghiêm-nghị như một bức tượng đồng, nắm chặc hai bàn tay và nói một cách vồn-vả, như để phân-bua trong chốc-lát với quần-chúng: - Đây nầy, tôi đã trông thấy rõ diện-mạo một vị tôn-sư. Mọi người nhìn nhau im-lặng. Chiếc tàu thủy cứ chạy đều đều để tiến về một chân trời xa-xăm. Chốc nữa, nó sẽ ghé vào bến Qui-nhơn trong một chuyến đi lịch-sử để đón nhóm văn-thân Quảng-ngãi và Bình-định mà người dẫn đầu là cử-nhơn Nguyễn-Sụy, tú-tài Phạm-cao-Chẩm. Con chim đại-bàng trên mặt biển lại tung ra trong bầu trời một làn hơi đen nghịt để lấy sức tiến thẳng vào miền Đồng-nai lục-tỉnh. Tới Sài-gòn, đoàn quốc-sự-phạm phải nghỉ lại một tuần-lễ, vào khám Chí-hòa để hớt tóc, thay đổi quần-áo, làm quen với đời sống nhọc-nhằn trong lao-tù. Một buổi sáng tinh-sương, nhóm văn-thân Trung-Việt lại lên một chiếc tàu khác, nhỏ hơn, có vẻ hiền-từ duyên-dáng hơn, để một chiều kia đổ-bộ lên một mãnh đất hoang-vu ngoài biển-khơi, cái mục-tiêu cuối cùng của một cuộc hành-trình dài dằng-dặc. Côn-lôn là một hòn đảo lẻ-loi nằm rất xa ở ngoài khơi miền duyên-hải Nam-việt. Từ ngàn xưa, mảnh đất rời-rạc nầy vẫn thuộc về lãnh-thổ Việt-nam và được sáp-nhập vào địa-phận tỉnh Vĩnh-long. Côn-lôn chỉ có rừng núi bao-la và một làng An-hải, gồm có năm bảy nóc nhà tranh lụp-xụp. Đám dân chài lưới, đã từ miền lục-địa Việt-nam mạo-hiểm vượt đại-dương để ra tận ngoài khơi chiến-đấu với ma-thiêng nước-độc, với sóng cồn rào-rạc, với những trận gió nồm kinh-khủng thổi khắp quanh năm. Về sau, người Pháp sang xâm-chiếm miền Đồng-nai lục-tỉnh, đặt nền cai-trị riêng, tách hẳn miền phù-sa sông Cữu-long ra khỏi ảnh-hưởng triều-đình nhà Nguyễn. Côn-sơn trở thành một nhà lao thường-phạm, dành riêng cho những người dân bản-xứ can về trọng-tội, ở đây lại có thiết-lập nhiều công-sở, xây-dựng nhiều trại binh-lính. Chợ búa, quán-xá của người Việt-nam, người Trung-hoa cũng theo trào-lưu mà phát-triển mỗi ngày mỗi đông-đúc thêm. Kế tiếp đến, khi phong-trào Duy-tân phát-động khắp toàn quốc, vụ kháng-sưu vào năm 1908 nổi lên rầm-rộ, người ta mới nghĩ đến việc sửa đổi qui-chế lao-xá. Từ đấy, Côn-đảo mới trở thành một ngục-thất chính-trị để an-trí hay giam-cầm các nhà ái-quốc, mà người phạm-nhân đầu tiên may mắn được đặt chân lên mảnh đất xa-xôi, rùng-rợn, hẻo-lánh ấy là nhà cách-mệnh Phan-tây-Hồ. Vào tháng tư năm 1908, cửa ngục hé mở để thâu-nhận nhà đại-hào-kiệt Việt-nam, thì vào thượng-tuần tháng tám cũng năm ấy, các nhóm văn-thân Trung-Việt, đầu-não của phong-trào kháng-sưu, lại âm-thầm đổ-bộ lên bến Côn-sơn dưới những con mắt tò-mò của bọn ma tà và bọn quan-lại thuộc-địa. Họ lần-lượt theo gót viên ngục-trưởng vào trong nhà lao, nhận mỗi người một cái thẻ bài y hệt như các vị hàn-lâm trong chế-độ phong-kiến, rồi được phân-phối đi các phòng, sống lẫn-lộn với những người thường-phạm làm tạp-dịch. Lúc bây giờ, nhà cách-mệnh Phan-tây-Hồ đã ra tạm-trú tại làng An-hải, sinh-hoạt với dân-chúng, chuyên về nghề đi câu và làm đồi-mồi để chờ ngày trở về lục-địa. Vào mùa xuân năm 1909, sau một cái Tết tha-hương đầu tiên, buồn rầu và thấm-thía đến tận xương tủy, các chính-trị-phạm ở Côn-đảo lại có dịp tiếp đón một số đồng-nghiệp ở Bắc-Việt mới vào như cử-nhơn Dương-bá-Trác, tú-tài Nguyễn-Quyền. Hầu hết những nhà quốc-sự-phạm sau nầy đều có liên-hệ đến vụ Đông-Kinh Nghĩa-Thục. Quang-cảnh ngoài lao-xá lại tưng-bừng, náo-nhiệt một cách khác thường. Một số chính-trị-phạm ở Trung-Việt cũng theo chuyến tàu này mà vào Côn-đảo như Nguyễn-Xứng ở Thanh-hóa, Trần-kỳ-Phong ở Quảng-ngãi và Trần-cao-Vân ở Quảng-nam. Ra đời vào năm 1866 tại Gò-nổi là nơi văn-vật vào bậc nhất của vùng Ngũ-hành-sơn, nhà cách-mạng Trần-cao-Vân theo học chữ Nho và đã dự một kỳ thi hương không có kết-quả vào năm 1882. Lúc bấy-giờ, như tằm ăn dâu, người Pháp xâm-chiếm dần dần miền Bắc-Việt, đánh lấy thành-phố Hà-nội rồi cho quân-ngũ tấn-công vào các thị-trấn khác ở hai bên lưu-vực sông Hồng-hà. Cái tin phó-bảng Hoàng-Diệu tuẫn-tiết sau trận thất-thủ Hà-nội đã làm cho dư-luận toàn-quốc chấn-động rất mạnh-mẽ. Ở Quảng-nam, phe chủ-chiến càng ngày càng phát-triển, phong-trào bài-ngoại càng ngày càng ăn sâu vào dân-chúng. Lúc này hơn lúc nào hết, người ta mới bắt đầu truyền-tụng bài "Quá giang" mà Hoàng-Diệu đã sáng-tác lúc mới ra nhậm-chức tại Bắc-Việt.
Kế tiếp theo đó, vào năm 1885, phe chủ-chiến lại bạo-động ở Thuận-hóa, kinh-đô bị thất-thủ, vua Hàm-Nghi và Tôn-thất-Thuyết chạy ra Tân-sở, phong-trào Cần-vương lại nổi lên khắp nơi. Ở Quảng-nam, phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu lại dựng cờ khởi-nghĩa, Nghĩa-hội được thành-lập, hai bên triều-đình và văn-thân lại xây hào đắp lũy, cầm-cự nhau ròng-rã trong mấy năm trời. Hưởng-ứng theo trào-lưu mới, Trần-cao-Vân lìa bỏ gia-đình để dấn-thân vào cuộc đời tranh-đấu. Trước kia ông có làm quen mật-thiết với một người học-sinh tên là Võ-Thạch ở làng Bồ-phan. Bên cạnh làng nầy, thuộc về làng An-định, có một ngôi chùa rất tĩnh-mịch mang danh là Cổ-lâm-tự. Võ-Thạch là con trai duy-nhất của viên chánh-tổng Võ-Trưng, một tay cự-phách ở vùng Chín-xã sông-Con. Trần-cao-Vân mới nghĩ kế lên trụ-trì tại ngôi chùa ấy để che mắt thê-gian mà mưu-đồ đại-sự. Thường ngày, ông có thư-từ đi lại với tú-tài Trần-Thừa ở làng Gia-cốc, thuộc phủ Duy-xuyên, lúc bấy giờ đương làm tán-tướng cho phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu, trấn đóng tại miền bắc sông Thu-bồn để kháng-cự với người Pháp. Vào mùa thu năm 1887, phong-trào Cần-vương tại Quảng-nam bị dập tắt, Nghĩa-hội tan rã, ông phải bỏ ngôi chùa trở về học-tập, đi thi trở lại. Sau một thời gian châu-du khắp nơi để quan-sát tình-hình trong nước, năm 1891, ông lại trở về ngôi chùa Cổ-lâm để tu hành và bí-mật liên-kết với đồng-chí ở khắp bốn phương. Sau một năm hoạt-động tại Quảng-nam, vào năm 1892, thấy phong-trào kháng Pháp không thể nào phục-hồi được, ông lên đường vào Bình-định để thử tìm một mảnh đất mới mẻ, có thể dụng-võ hữu-hiệu hơn. Nhưng chẳng may, tại đây phong-trào Cần-vương cũng vừa bị thất-bại. Cử-nhơn Mai-xuân-Thưởng bị hành-quyết, dân-chúng phải trải qua một cuộc đàn-áp kinh-khủng do binh-sĩ của viên đốc-phủ-sứ Trần-bá-Lộc gây nên. Những hình ảnh rùng-rợn như tập-trung trẻ con tại ngôi đình làng, rồi ném tung trẻ con lên thật cao cho chúng rơi lên những ngọn lưỡi lê sáng-quắc, dưới những tiếng reo hò, a-dua, xu-mị của một đám quần-chúng ngớ-nghếch, vẫn còn in dấu trong tâm-trí của mọi người. Một cuộc vận-động công-khai, trực-tiếp không có đủ yếu-tố để thành-công, các nhà lãnh-đạo chính-trị phải dùng đến thủ-thuật, phải lấy bói-quẻ, phù-phép để lợi-dụng lòng mê-tín của nhân-dân, và từ-từ đưa những người đắn-đo e-dè vào con đương tranh-đấu. Nghe tiếng một vị thầy chùa ở Đá-bạc đã qui-tụ được một số đông tín-đồ, ông cũng băng-bộ tìm tới, nhơn đó mới kết-giao được với nhà cách-mạng Võ-Trứ là môn-đệ của viên trụ-trì ngôi chùa Đá-bạc. Hai người bàn-bạc kế-hoạch với nhau thật tỉ-mỉ rồi kéo nhau vào Phú-yên là nơi mà cuộc vận-động quần-chúng có thể thực-hiện một cách tương-đối dễ-dàng hơn. Do đó, vào năm 1898, một buổi sớm tinh-sương, người ta mới thấy giặc thầy chùa nổ lên khắp nơi, từ huyện Đồng-xuân cho tới phủ Tuy-hòa, nhà cách-mệnh Võ-Trứ mới kéo cờ "Minh trại chủ tế" từ miền sơn-cước xuống bao-vây tỉnh-lỵ Sông-cầu. Cuộc khởi-nghĩa không thành-công, nhà cách-mệnh Võ-Trứ bị hành-quyết, các đồng-chí phải bị giam cầm. Ông cũng bị bắt tại động Bà-thiên, bị hạ-ngục cho tới năm 1889 mới được phóng-thích. Được trả tự-do, ông vẫn theo đường củ, một mình đi châu-du khắp miền sơn-cước, khi thì coi nhâm-độn theo kinh Thái-ất, khi thì giảng Trung-thiên-dịch, làm cho các nhà hữu-trách ở Phú-yên phải lo sợ, phải bắt trở lại, kết-án ba năm tù và đưa về giam tại Quảng-nam. Vào năm 1902, ông mới rời khỏi nhà lao, về tạm-trú tại một ngôi nhà tranh sát bên cạnh chợ Vĩnh-điện, thỉnh-thoảng lại đi ra Quảng-trị, Thừa-thiên để kết-nạp đồng-chí. Chính vào thời-kỳ này, nhà cách-mệnh Nguyễn-Thành đã khai-hội Duy-tân tại làng Thạnh-mỹ. Phong-trào Đông-du, phong-trào Duy-tân đương phát-triển mạnh trong dân-chúng. Ông hết sức cổ-động đồng-bào hưởng-ứng theo trào-lưu mới. Năm 1908, sau khi dân-chúng nổi lên phản-đối chính-phủ, gây nên vụ kháng-sưu khắp toàn quốc, một lần nữa, ông lại bị liên-can, bị các nhà chức-trách Quảng-nam bắt hạ-ngục. Trong lao-xá, ông đã gặp tiến-sĩ Huỳnh-thúc-Kháng và hầu hết thân-sĩ ở vùng Ngũ-hành-sơn. Vì trước kia ông có tham-gia các vụ đấu-tranh ở Bình-định và Phú-yên, người ta phải giữ ông lại để điều-tra thêm cho rõ tội-trạng, mãi đến năm 1909, ông mới bị đày ra Côn-đảo, cùng một chuyến tàu với nhóm thân-hào nhân-sĩ ở Bắc-Việt. Vừa mới bước vào sân lao-xá, ông được một nhóm người chào đón, phần đông là các thân-sĩ vùng Nam-Ngãi. Một lát sau, tin-tức lan ra, các phòng giam đều trở nên huyên-náo, rộn-ràng như trong ngày Tết. Nhà cách-mệnh Nguyễn-Thành, trước đó một vài tháng, có nhận được thư-tín từ Quảng-nam gởi vào cho biết hiền-thê của ông đã thọ bệnh mà mất, tiếp theo đó lại nhận được tin lệnh-nữ cũng vừa mới tạ-thế. Ông buồn-rầu không xiết kể. Chứng thổ-huyết, phát-sinh khi còn ngoài lao-xá, một thời-gian lâu đã ngưng hoạt-động, nay tái-phát dữ-dội làm cho mặt mày của ông xanh-mét như tàu lá. Suốt ngày đêm ông không bao giờ rời bỏ chiếc giường tre xiêu-vẹo trong góc bệnh-xá, thỉnh-thoảng lại trở mình ho năm ba tiếng đặc đờm và nước dãi đã kéo lên tận cuống họng. Thế mà nghe tin đám quốc-sự-phạm ở Trung-Việt mới vào tới nơi, ông cũng gắng-gượng đứng dậy, chống gậy tre lảo-đảo bước ra cửa phòng, lần mò tiến về chổ đông người và hỏi: - Tin-tức ở ngoại-quốc đưa về có được khả-quan không? Nhà cách-mệnh Trần-cao-Vân trả lời: - Theo ý-kiến các anh em Bắc-hà thì Duy-tân hội không tiến-triển được bao nhiêu. Gia-dĩ gần đây chính-phủ Đông-dương và chính-phủ Nhật-bản đã mật-ước với nhau, do đó việc bang-giao giữa đoàn-thể chúng ta và các nhà hữu-trách Đông-kinh càng ngày càng đi tới chỗ bế-tắc. Hiện nay Nhật-hoàng đã có lệnh trục-xuất các du-học-sinh và các nhà ái-quốc Việt-nam. Hai nhà cách-mệnh Phan-bội-Châu và Cường-Để đã chuẩn-bị rời bỏ xứ Phù-tang để trở về hoạt-động tại Xiêm-la và Trung-quốc. Trường học Bính-ngọ-hiên ở Hoành-tân cũng đã bị đóng cửa, không biết rồi đây tình-hình còn biến-chuyển ra làm sao nữa? Nhà cách-mệnh Nguyễn-Thành nghe xong những tin ấy thì tâm-thần bất-an, mồ-hôi toát ra khắp thân-hình, tay chân lạnh ngắt. Các bạn đồng-sự lo dìu ông về bệnh-xá, mới đặt ông nằm ngay thẳng trên giường bệnh thì cơn sốt rét lại nổi lên, sau đó giây lát, ông lại bị thổ-huyết, lần này còn trầm-trọng hơn. Từ đấy trở đi, ông không bao giờ rời bỏ căn phòng trống-trải của bệnh-viện. Mặc-dầu y-tá đã hết sức chạy chữa, bệnh thổ-huyết càng ngày càng trở nặng làm cho mặt-mày ông hốc-hác, xanh-xao, thân-hình gầy-còm, tiều-tụy. Thế rồi một hôm ở trong nhà lao, người ta nhận được một cái tin đáng mừng: nhà cách-mệnh Phan-bội-Châu đã trở về Thượng-hải và chuẩn-bị triệu-tập các đồng-chí Trung-Nam-Bắc để thành-lập Việt-nam Quang-phục-hội. Lúc bấy-giờ tấm lòng ưu-ái của ông đối với nhân-dân lại sôi lên sùng-sục, ông muốn gắng-gượng ngồi dậy để viết một bản hiệu-triệu đồng-bào, nhưng vì sức-lực đã kiệt-quệ, ông chỉ còn đủ sức để viết cho các đồng-chí một bài thơ "Cảm-tác" như sau:
Viết xong, ông cho mời các nhà cách-mệnh Trần-cao-Vân, Phan-tây-Hồ, Huỳnh-thúc-Kháng đến bên cạnh mình mà căn-dặn mấy lời: - Tôi nhắm mắt rồi, việc hội thì đã có Thái-Phiên đãm-nhận, còn việc quốc-dân thì tôi trông-cậy vào các anh em; thời-cuộc xoay-vần, sau nầy còn nhiều cơ-hội tốt. Ông nói vừa dứt lời thì thần-sắc đã biến hẳn, thân-hình đã cứng đơ, hồn đã lìa khỏi xác. Ở bên ngoài, đồng-chí khắp ba miền đã tụ-tập đông-đảo. Khi trông thấy tiến-sĩ Huỳnh-thúc-Kháng bước ra, vẻ mặt buồn-rầu đau-đớn, ai nấy cũng ngồi sụp xuống dưới đất khóc âm-thầm. Vị thủ-lãnh phong trào Đông-du không còn nữa!!. Đám tang cử-hành rất đơn-sơ trong lao-xá. Sau đám tang, nhà cách-mệnh Phan-tây-Hồ trở về làng An-hải, nhận được thơ của Pháp-kiều Babut, chủ-bút tờ nhật-báo Đại-Việt, gởi thăm đồng-thời cho biết ông sẽ được phóng-thích. Kế tiếp theo đó, viên thống-đốc Nam-kỳ lại thân-hành ra tận ngoài Côn-đảo, thăm viếng ông một cách ân-cần, và chẳng bao lâu sau ông được lệnh trở về lục-địa. Tới Sai-gòn, ông mới hay hội Bảo-trợ nhân-quyền đã vì mình, khiếu-nại với Chính-phủ Pháp, thủ-tướng Poincaré đã nhận lời cho ông được trở về với dân-chúng. Thi-hành quyết-nghị ấy, các nhà chức-trách Đông-Dương có mở một hội-đồng đề-hình ở tại Nam-kỳ. Tham-biện Couzineau, chủ-tịch phiên-tòa, trong bài diễn-văn khai-mạc, có tuyên-bố đường-hoàng: - Thay mặt cho tất cả nhân-dân nước Pháp, tôi xin long-trọng trả tự-do cho ông. Viên tham-biện Courizeau đọc xong bản thuyết-trình, bước tới bên vành móng-ngựa hỏi ông một cách ôn-hòa: - Ông còn có điều gì muốn đề-đạt lên chính-phủ nữa không? Đáp lời vị đại-diện chính-phủ Ba-lê, ông chỉ xin có ba điều: - ân-xá quốc-sự-phạm. - trị-tội viên án-sát Khánh-hòa Phạm-ngọc-Quát đã giết hại tiến-sĩ Trần-qúi-Cáp một cách dã-man. - Xin cho ông đi Pháp. Trình-bày xong những nguyện-vọng của mình, ông tạm-biệt các thân-bằng cố-hữu rồi xuống tạm-trú tại thành-phố Mỹ-tho. Ở đây, tuy đã được chính-quyền trao-trả tự-do, ông vẫn bị các nhà chức-trách điạ-phương kiểm-soát gián-tiếp. Không bằng-lòng, ông bèn viết thơ gởi chính-phủ xin trở ra Côn-đảo. Bất đắc dĩ các nhà cầm-quyền phải thay-đổi chính-sách, chấp-thuận cho ông được sang Pháp theo lời thỉnh-cầu trong nguyên-đơn. Vào mùa xuân năm 1912, ông cùng với toàn-quyền Klobukowski xuống tàu đi Tây, có đem theo người con trai duy-nhất là Phan-châu-Dật sang du-học tại Ba-lê. Cuộc du-hành này lúc ban đầu, không khỏi gây nhiều dư-luận khác nhau. Các bạn đồng-bối, không hiểu rõ thâm-ý của ông nên có lời dị-nghị, thành-thử tiến-sĩ Huỳnh-thúc-Kháng có làm bài thơ: "Tiễn-biệt".
Nhà cách-mệnh Phan-tây-Hồ sang tới Ba-lê, trú-ngụ một thời-gian thì đươc tin nhà cho biết phu-nhân đã tạ-thế. Ông đương sống nơi đất khách, một phần thì nhớ quê-hương, một phần thì đau-xót vì cái cảnh tử-biệt sinh-ly, nên suốt một tuần lễ-bái, ông nằm mãi trên tầng thứ chín một biệt-thự trong xóm La-tinh. Một buổi sớm, ông vừa thức-dậy, tung chiếc mền nỉ nhìn khắp căn phòng thì trông thấy một chiếc bàn thờ vừa mới thiết-lập, có vù hương, có chưn đèn, có bài-vi, hẳn-hoi, hai bên có hai câu liễn đối của người con trai là Phan-châu-Dật viết để tặng thân-mẫu. Ông nằm gác tay lên trán, đọc đi đọc lại lẩm-nhẩm hai vế gối-hạc mà nét mực chưa khô:
Gọi mãi, không nghe cậu Phan-châu-Dật trả lời, chỉ thấy sương-mù, như một tấm màng mỏng, bay lưa-thưa qua cửa sổ, đọng lại trên gương cửa, chảy ngoằn-ngoèo thành những đường song song, buồn-rầu ông lấy chăn phủ kín cả thân-hình, nằm ngủ thiêm-thiếp. Bây giờ một khung-cảnh xa-xôi, huyền-ảo nhưng có vẻ quen-thuộc lại bày ra trước mắt: ông thấy ông đương đi trở lại trên những con đường eo-hẹp, giữa một hòn đảo nhỏ ở ngoài đại-dương. Nơi đây tiến-sĩ Huỳnh-thúc-Kháng đương ngồi đập đá y hệt như mình dạo trước ở làng An-hải, nơi kia tiến-sĩ Ngô-đức-Kế đương chuốt đồi-mồi để làm những cán bút rất xinh đẹp, xa hơn nữa là rừng rú bao-la với những ngọn thủy-triều trắng xóa. Tiến sâu vào trong núi, thấy một toán quốc-sự-phạm đương chặt cây trên bờ suối, ông lại gần hỏi viên cữu Cai, người cầm đầu nhóm tạp-dịch: - Các anh em có biết nhà cách-mệnh Trần-cao-Vân hiện ở chổ nào không ? Viên cữu Cai đứng dậy, lấy chiếc hồ-bao hình bán-nguyệt mở ra, mời ông xơi một miếng trầu cau, rồi nói chậm-rãi: - Nhà cách-mệnh đã được phóng-thích vào ngày ba mươi tháng chạp năm nay, và đã lên đường về miền Trung. Tin ấy làm cho ông nửa vui-mừng, nửa lo-sợ, ông đứng tần-ngần một hồi lâu, rồi hỏi tiếp : - Còn các anh em thì bao giờ mới được trả về nguyên-quán? Viên cữu-cai suy-nghĩ giây lát, cười một cách chua-xót rồi trả-lời: - Có lẽ không bao giờ hết, trừ trường-hợp chúng tôi thả được chiếc bè này ra ngoài biển và trốn thoát. Nghe viên cữu-Cai nói như vậy, ông muốn nhảy qua bên kia bờ suối để xem xét chiếc bè nằm khuất trong hang đá, nhưng chưa kịp chuyển mình, ông đã bị một bầy ong vò-vẽ bay đến tấn-công, mấy người hành-dịch chống cự không nổi, bỏ chạy tứ-tung, kéo ông chạy quanh-quất trong rừng. Ông sợ-hãi quá muốn tung chăn ngồi dậy thì đã có người con trai là Phan-châu-Dật ngăn chận lại và nói khẽ: - Thầy vừa trải qua một giấc chiêm-bao.
|