Một giấc chiêm-bao Bí-mật di-chuyển qua làng An-lâm, hạt Thăng-bình, Hường-lô Nguyễn-duy-Hiệu lưu-trú tại nhà tên Nguyễn-Quới trên bờ sông Tiên-giang. Cử-nhơn Phan-bá-Phiến tức Án Hổ trước sau vẫn đóng tại đồn Phú-lâm, phải trở về nhiệm-sở để kiễm-soát miền Tam-kỳ và Tiên-phước. Mỗi khi có việc binh-nhung cần kíp, phải bàn-bạc với toàn thể các tướng-lãnh, cử-nhơn Phan-bá-Phiến lại đi chiếc võng điều về tỉnh-lỵ. Những cuộc hội-nghị thâu hẹp được khai-diễn trong Khe-cái, cách nhà tên Nguyễn-Quới chừng non vài trăm thước. Sau những cuộc hội-họp bất- thường ấy, trong tỉnh-hạt, thế nào cũng phải có các cuộc giao-tranh lớn, hay những cuộc hành-thích công-khai ngoài mặt trận. Vì vậy mỗi khi dân-chúng trông thấy chiếc võng điều xuất-hiện, họ lại một phen lo sợ. Trong làng, người họ kính-nể nhất là hường-lô Nguyễn-duy-Hiệu, một nhân-vật có thái-độ nhã-nhặn, nhưng lúc nào cũng trầm-nghị khác thường. Ngay ở trước đình làng có một cái vực sâu thăm-thẳm, nơi tụ hội của những con cá hồng, cá hường có tiếng là ngon nhất, lớn nhất ở miền sơn-cước. Từ ngày vị đảng-trưởng Nghĩa-hội dời bước tới làng An-lâm, dân-chúng phải gọi con cá ấy là cá "chó".Mãi đến hôm nay, tên gọi ấy vẫn còn phổ-biến trong dân-chúng. Một buổi tối, vào trung-tuần tháng tư năm đinh-hợi, hường-lô Nguyễn-duy-Hiệu nằm trằn-trọc mãi, không ngủ được. Bực mình, ông ngồi dậy ra ngoài hiên nhìn cảnh vật. Trong vườn, những lùm chè, chòm cau, chòm quế, chòm mít có vẻ yên lặng thâm-u nhưng rầy-rà, ám-ảnh khác hẳn với mọi ngày. Trên không-gian, mảnh trăng rằm huyền-bí, lạnh-lùng soi chiếu khắp vùng đồi núi. Sương khuya nặng hột phủ xuống cỏ cây, đọng lại trên những cành dầu lai, dầu trảu đương khai hoa, chốc chốc lại nhỏ từng giọt đều-đặn lên mặt đất. Trong một góc vườn, hơi nước và ánh trăng đã qui-tụ thành một chiếc cầu vồng ngũ-sắc xinh-đẹp, dài chừng năm bảy tấc ngay trên chòm cây, bụi cỏ. Từ xa xăm văng-vẳng có tiếng gà rừng điểm canh chen lẫn trong tiếng cọp gầm, vượn hú nghe hoang-vu đe dọa không tả được. Từng ấy âm-thanh hòa với tiếng thác đổ dồn từ trong Ồ-ồ, núi Nhón vọng ra, tạo cho miền sơn-cước một vẻ u-uất, bí-hiểm huyền-diệu vô cùng. Nhìn cảnh vật hồi lâu, hường-lô Nguyễn-duy-Hiệu lại bước vào nhà. Nghe tiếng động bất-thường ở chung quanh mình, tên Nguyễn-Quới cũng chồm ngồm ngồi dậy, dụi mắt cho tỉnh-táo, rồi từ từ đi xuống dưới bếp để thổi sáng. Ngồi một mình trong căn nhà tám cột im-lặng, rộng-rãi, bên cạnh một cái bàn gỗ chứa đầy hồ-sơ và sách chữ nho, vị đảng-trưởng lấy que khêu ngọn đèn dầu phụng đương cháy leo-lét và luôn tay dở cuốn binh-thư của Tôn-Tử ra đọc lẩm-nhẩm cho hết thì giờ. Ông vừa mới lật qua lật lại có năm ba trang giấy cũ-kỹ, vàng-hươm, bị sùng đố khoét thành nhiều lỗ tròn-trịa, thì lại cảm thấy ớn lạnh. Ông xấp sách lại, ngả mình ra sau, dựa lưng vào chiếc ghế trường-kỷ, mắt lim-dim như khi còn ngồi học ở trường đốc. Trong cơn mơ, ông nghe văng-vẳng tiếng gõ cửa bên ngoài, ban đầu còn thưa-thớt, khoan-thai, về sau lại dồn-dập, gấp rút hơn. Ông chưa kịp gọi tên lính hầu nằm ngủ trên một bộ phản nho-nhỏ ở sát bên cạnh mình, thì hai cánh cửa đã từ từ hé mở như bị đẩy nhẹ bởi ngọn gió bấc hiu-hắt đêm khuya hay băng ngàn thổi về thung-lũng. Nhìn kỹ, ông thấy một vị tướng-lãnh có thân hình khôi-ngô, vạm-vỡ, nét mặt oai-phong lẫm-liệt, đương cởi một con ngựa truy-phong, đưa mắt nhìn ông chăm-chú. Sau phút bỡ-ngỡ, người khách lạ cho ngựa tiến tới một bước, rồi một tay cầm chiếc trường-kiếm đưa ngang lên trán, một tay đặt nhẹ lên vai phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu và nói những lời hết sức thân-mật: "Ôi cố-nhân! chúng ta mới xa nhau có hơn vài năm mà em tưởng chừng như là mấy thế-kỷ". Người khách lạ vừa nói dứt lời thì thân hình và nét mặt lại biến đổi. Màu trắng bạch trên bộ y-phục, trên khuôn mặt nổi bật hẳn lên trong căn nhà nửa sáng, nửa tối, làm cho phó-bảng Nguyễn duy Hiệu khiếp-sợ. Ông hỏi với một giọng run-rẩy: - Nhà ngươi là ai mà lại bén-mảng đến thư-phòng của ta trong đêm thanh-vắng? Người khách lạ nhẹ-nhàng lấy tay áo phất qua phất lại năm ba lần trước mặt như để xua tan sự cách-biệt giữa hai cỏi âm-dương và làm cho chân-tướng của mình hiện rỏ hơn. Lúc bấy giờ không cần nhìn kỹ, phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu cũng nhận ra con tuấn-mã đương đứng lững-lờ ở trên không và người khách lạ chính là cử-nhơn Mai- xuân-Thưởng, nhà lảnh-tụ Cần-vương ở miền Bình-phú. Không còn ngần-ngại, Nguyễn-duy-Hiệu nhẹ-nhàng bước tới, nắm lấy chiếc áo-bào và ân-cần hỏi: -Hiền-đệ về đây có việc gì cần kíp không mà phải thân-hành ra đi trong lúc đêm hôm khuya-khoắc? Cử-nhơn Mai xuân Thưởng vẫn với vẻ thản-nhiên như khi mới vào, trả-lời một cách khoan-thai rành-mạch: - Đại-huynh không biết rõ hay sao ? em đã từ-trần ngày hôm qua tại Bình-định, bữa nay em phải về đây để tạm-biệt anh và các thân-bằng cố-hữu. Không để cho sự ngạc-nhiên kéo dài hơn nữa, cử-nhơn Mai-xuân-Thưởng tiếp-tục trình-bày: - Em đã bị tên Nguyễn Thân ở Quảng-ngãi phản-bội và bị thất-bại khá lớn tại trận Bình-đê như em đã có trình-bày với anh vào mùa đông năm Ất-dậu. Cuộc tranh-chấp tạm ngưng được một thời-gian. Vào khoảng cuối năm Bính-tuất tên Nguyễn Thân lại hiệp-sức với người Pháp, kéo binh sơn-phòng vào tận sào-huyệt của em tại vùng An-khê để sát-hại dân-chúng. Em liền phối-hợp với toán quân của Tăng-bạt-Hổ vừa mới nhóm lên và đánh cho tên phản-quốc ấy một trận thất-điên bát-đảo. Từ đấy chúng không còn dám bén-mảng vào chiến-khu của em nữa. Nhưng bọn Pháp lại tìm cách gởi người lên miền sơn-cươc để mở cuộc thương-thuyết, lấy quan-tước để dụ-dỗ, lấy binh-lực để uy-hiếp ngỏ-hầu dập tắt phong-trào Cần-vương. Mặc dầu người Pháp có binh-hùng tướng dõng, em vẫn không hề nao-núng, ngày đêm chỉ lo việc kháng-chiến để khôi-phục giang-sơn. Cuối cùng biết không thể nào dùng chính-trị để lũng-đoạn hàng-ngũ văn-thân, viên quan cai-trị Tisant ở tại Bình-định phải vào Sài-gòn để xin viện-binh. Lần nầy không những lực-lượng chiến-đấu của họ đã tăng-cường rất nhiều mà trong cấp chỉ-huy của họ lại thấy xuất-hiện một vị tướng-lãnh vô cùng tàn-bạo. Tên Trần bá Lộc kéo quân từ miền lục-tỉnh ra tấn-tiêu các tỉnh Bình-thuận, Khánh-hòa, Phú-yên, rồi lần-lượt chiếm-đóng tỉnh Bình-định. Đoàn quân viễn-chinh của hắn đi tới đâu thì gieo-rắc khủng-khiếp, suy-đồi và tang-tóc trong dân-chúng đến đó. Em đã dò biết lực-lượng hùng-hậu của hắn nên phải dùng thủy-bối-trận để đối-phó, một mặt lấy núi Kỳ-đồng làm chỗ dàn quân, một mặt lấy Bàn-tấu ở vùng Đại-bình làm nơi hậu-thuẩn. Em chỉ tính chuyện một còn một mất, đánh với hắn một trận quyết-liệt để cứu-vãn tình-thế cho Nghĩa-đảng. Chẳng ngờ bọn Pháp có súng đạn quá nhiều, sĩ-tốt quá tinh-nhuệ, văn-thân không thể nào chống-cự nỗi, phải chịu hy-sinh nặng-nề. Thấy nghĩa-binh lâm vào cảnh nguy-khốn, em muốn lui về Linh-động để cùng với một số chiến-sĩ bàn kế phục-thù. Em chưa thực-hiện được kế-hoạch ấy thì rầm-rầm rộ-rộ đoàn quân Pháp đã tràn về miền Phú-phong, bắt thân-mẫu của em giam lại một nơi và sát-hại đàn-bà con nít thật thê-thảm. Tình-hình chiến-sự đã không còn hy-vọng , em không muốn kéo dài cảnh dân-chúng bị máu chảy đầu rơi nên em đích-thân ra tiếp-kiến tên Trần bá Lộc tại ngôi đình làng Phú-phong. Tên sát-nhân nầy buộc em phải quy-thuận và làm nhiều điều có thể tổn-hại đến danh-nghĩa của đảng Cần-vương, em liền cự-tuyệt. Hắn đưa em lên đoạn đầu đài vào ngày rằm tháng tư năm đinh-hợi nầy. Bữa nay, trước khi lên đường về chầu trời, chầu Phật, em ghé lại hành-dinh để tạm-biệt Anh và xin hẹn với Anh, cũng vào ngày nầy bốn tháng nũa, sẽ gặp anh ở miền cực-lạc." Nói xong, cử-nhơn Mai xuân Thưởng lấy chiếc quạt long-châu cầm sẵn trên tay, gõ nhẹ vào góc bàn rồi ngâm trở lại bài thơ cảm-tác đã làm trong giờ hành-quyết:
Khi những tiếng ngân-nga đã chấm-dứt, cử-nhơn Mai-xuân-Thưởng gò dây cương quay mình tiến ra ngoài ngưỡng cửa, lướt qua chiếc nhà vỏ cua thâm-thấp lợp bằng tranh. Người lẫn ngựa lại bay vụt lên thật cao, thật cao để biến hẳn trong làn sương khói. Phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu đứng nhìn cái bóng một hồi lâu và cố-gắng kêu lên một tiếng thật to, tên Nguyễn-Quới đã chờ sẵn bên cạnh chiếc ghế trường-kỷ, rỉ vào tai nói khẽ: - Bẫm thầy, thầy đừng mớ nữa! trời đã sáng rồi. Một tuần lễ sau, phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu mới nhận được bản tường-thuật của tỉnh Bình-định về những thất-lợi vừa mới xảy ra, Ông ngồi lẩm-nhẩm một mình: - Té ra hai bên đều phù-hợp với nhau như cùng một khuôn đúc. Rồi ông cho mời ban tham-mưu Nghĩa-hội đến căn-dặn: - Bọn Pháp sắp mở một cuộc hành-binh lớn vào miền cấm-địa của chúng ta, và sẽ dùng chính-sách dĩ-độc trị-độc để tiêu-diệt lực-lượng của chúng ta, nghĩa-binh phải sẵn-sàng đối-phó.
|