Vào khoảng cuối thế-kỷ thứ mười chín, cô Nở, một
người con gái đa-tình, đi khắp tỉnh Quảng-nam và hát
những câu trên. Nếu chịu khó theo dõi người thục-nữ
và đi xa hơn nữa trong thực-tế, miền sông Thu-bồn còn
dành cho ta nhiều sự mới lạ. Lúc bấy giờ, nền kinh-tế
ở Quảng-nam không chỉ thâu hẹp vào một vài thị-trấn
nho nhỏ ở về miền duyên-hải hạt Tam-kỳ mà còn quy-tụ
vào hai cửa bể Đà-nẳng và Hội-an. Cửa Hàn, nơi qua
lại của những chiếc tàu thủy hùng-dũng, kiêu-ngạo,
khởi-hành từ phương tây, đương ở trong thời-kỳ phát-triển. Thành-phố Hội-an, ở trên cửa-Đại, chổ tập-trung của những chiếc ghe mành nặng-nề, chậm-chạp,
vươn mình thở hổn-hển, lim-dim hồi-tưởng lại thời-kỳ xa-xưa, khi người Anh-cát-lợi, người Nhật-bản,
người Hà-lan còn lui tới buôn-bán tấp-nập. Ngoài hai
hải-cảng nói trên, là chổ phồn- hoa đô-hội vào bậc
nhất, kinh-kỳ phố Hiến của miền trung, ta còn phải chú-ý đến Dương-yên và Vỉnh-điện. Thị-trấn sau này
không mảy-may quan-trọng về thương- mại hay kỹ-thuật,
nhưng lại được nổi tiếng vì ở đây có tỉnh-thành,
lí-sở của quan tuần-vủ, người chịu trách-nhiệm về
mặt hành-chánh. Dương-yên, thị-trấn thứ nhất ở miền
sơn-cước, chỉ là một cái làng nghèo-nàn thưa-thớt,
chìm-ngập từ lâu đời trong một vùng núi-non cực-kỳ
hiểm-trở, quanh năm dân chúng chỉ biết ăn đọt sắn
với muối, mặt trời chỉ biết mọc vào lúc đứng trưa,
buổi sáng còn bị sương mù bao phủ kín y hệt như lúc
ban đêm. Trong chốn hoang-vu cổ-truyền ấy, lại xuất-hiện
những thành-trì qui-mô, đồn-lũy vững-chắc. Ở đây có
nha sơn-phòng, lí-sở của quan chánh-sứ, chuyên coi về
việc quân-sự. Nói tóm lại, tất cả sự hoạt-động ở
trong tỉnh về mặt chính-trị đều tập-trung vào hai chổ
xung-yếu ấy.
Một buổi sớm, vào thượng-tuần tháng bảy năm 1885,
trên con đường thiên-lý dài tăm-tắp, nằm vắt ngang qua
địa-phận tỉnh Quảng-nam như một tấm lụa mỏng, người
ta trông thấy một vị quan văn, đầu đội nón Gò-Găng,
chân đi giày hạ, ngực đeo bài ngà, mình mặc áo lương
La-cả, cởi một con ngựa Phú-yên màu xám, tiến rất
nhanh về hướng nam. Hai tên lính giản mặc áo dấu
lủi-thủi chạy theo sau, một tên mang cái khăn gói khá to
ở trên vai, có vẻ mệt nhọc hơn, một tên nữa, ôm chặt
trong cánh tay một cái tráp chử-nhật cẩn xa-cừ; cả
hai đều cố-gắng theo cho kịp con tuấn-mã sung-sức đương
phi nước đại. Tới trạm Hương-an, ở về hạt Quế-sơn,
thầy trò mới dừng bước. Tên lính hầu vội-vả chạy
lại cầm dây cương, kéo con ngựa đương hăng-hái về
một bên, đưa tay đập rất nhẹ vào lông gáy của nó:
-Bum! Bum! ngoan đi nào!
Ý-thức được những cái vổ-về âu-yếm ấy, con ngựa
cúi đầu xuống và đứng lại ngay. Vị quan văn chuyển
mình, ấn thật mạnh chân phải vào chiếc bàn đạp nhảy
lẹ-làng xuống đất. Thấy ở bên lề đường có một
cái quán cơm bằng tranh sạch-sẽ, cao-ráo, vị quan văn
cùng hai tên lính hầu đi vào, người chủ đi về phía chiếc sập bằng gỗ mít kê chính giữa nhà, lên ngồi
chễm-chệ một mình, hai tên lính-giản đứng khoanh-tay
chầu hai bên tương-tự như Châu-Xương, Châu-Bình trong
một bức tranh thủy-mặc.
Liền khi ấy tên chủ quán, chít một cái khăn lông bờm
xờm, từ trong xó bếp chạy ra, chắp tay vái hết sức
kính-cẩn:
-Bẩm cụ lớn!
Mấy tên nông-dân hàng xóm, ý chừng đi làm lụng ở
ngoài đồng mới trở về, luôn tiện ghé vào quán-xá như
thường-lệ để dọ-dẫm thức ăn và đứng dưới mái
hiên trò chuyện rầm-rĩ với nhau. Nghe tiếng chào hỏi ở
bên trong, họ đưa mắt nhìn vào thật lẹ, rồi
bấm tay nhau đi tảng lờ về một phía khác, vừa đi vừa
nói rất khẽ:
- Chết bây, quan sơn-phòng!
Thật vậy, vị quan văn đương ngồi trong tửu-điếm
là tiến-sĩ Trần-văn-Dư, người ở làng An-mỹ-đông,
phủ Tam-kỳ, lúc bấy giờ đang giữ chức chánh-sứ tại
nha sơn-phòng Dương-yên. Thân-hình mảnh-dẻ, tầm-thước,
nước da trắng trẻo, hai mắt sáng-quắt như hai vì sao,
cử-chỉ ngôn-ngữ khoan-thai, quan sơn-phòng có cái vẻ
siêu-phàm của bậc tu-hành và cái dáng-điệu
thanh-tao của một nho-sĩ.
Lúc quan sơn-phòng mới bước vào, khách hàng ở trong
quán còn thưa thớt, nhưng dần dần kẻ ra người vào lại
càng đông-đảo thêm.
Quan sơn-phòng-sứ phải nấn-ná ngồi lại để quan-sát
tình-hình. Họ là những kẻ bộ-hành từ phương xa mới
đi lại, mỗi người còn mang trên khuôn mặt, mái tóc, trên chéo áo, chút ít hương-vị nồng-nàn của
những miền viễn-cách. Họ là những tên lính kinh vừa
mới đào-ngủ sau những ngày phiến-biến. Cuộc khởi-nghĩa
của Nguyễn- văn-Tường, Tôn-thất-Thuyết đã thất-bại,
vua Hàm-Nghi đã xuất-bôn ra Tân-sở, họ mới lên
đường chạy một hơi từ Thuận-hoá vào Quảng-nam, quên
ăn quên ngủ, mỗi người chỉ cầm vỏn vẹn một cành
lá để che sương đở nắng, y hệt như những con đồng,
con vía trong một buổi nhập hồn. Họ còn là những thầy
khóa rủi-ro vừa mới bỏ trường-thi để tỏ lòng
công-phẩn. Thí-sinh trường Bình-định thì tự-động rút-lui sau khi nghe tin thất-trận, thí-sinh trường La-chữ ở
Thừa- thiên rủ nhau chạy loạn trong lúc ban đêm. Tất
cả đều có vẻ bơ-sờ, sửng-sốt vì những chuyện vừa
mới tai nghe mắt thấy trong cơn binh-lửa.
Một lát nữa, khách thập-phương lại kéo nhau vào
ngồi chật ních ở trong tửu-điếm để nghe câu chuyện
thất-thủ. Nông-dân ở những vùng lân-cận, thương-nhân
ở miền nguồn, phường-chài ở miền duyên-hải, ai nấy
cũng hăm-hở muốn biết thời-sự. Một tên lính hộ-thành
làm ra vẻ thông-thạo, ngồi tréo mảy trên cái rương xe
đặt ngoài hiên cất giọng nói thật to như muốn làm cho
mọi người phải chú-ý:
- Có tất cả hai vị tiến-sĩ bị chết !
Một thầy-khoá vừa mới ăn mì gà xong, miệng còn dính mỡ, đứng xỉa răng một cách khoái-chí ở bên ảng
nước bắt gần chái bếp, thấy ngứa-ngáy ở trong
mình, chạy xồng-xộc lại hỏi:
-Tôi đố anh biết vị nào chết vì tạc đạn?
Biết câu chuyện của mình đã có dư-âm trong
quần-chúng, tên lính hộ-thành vội-vã đứng dậy trả-lời một cách lãnh-đạm:
- Không có vị tiến-sĩ nào trúng phải tạc đạn.
Tiến-sĩ Nguyễn-Thích, ở huyện Hà-đông chết không rỏ
vì sao trong cuộc hổn-loạn. Còn tiến-sĩ Hoàng-văn-Hoè,
người ở Hà-nội, đã nổi tiếng trong khoa uyên-bác, vào
ẩn-núp trong một căn nhà ở gần cầu Thăng-long, bị bom
nổ mà thiệt-mạng.
Tên lính hộ-thành vừa nói dứt lời thì mọi người
đều chắt lưởi:
-Tội-nghiệp!
Một ông đồ già, không rỏ từ phía nào đi lại,
nhưng từ nãy đến giờ vẫn chăm-chú nghe câu chuyện
thất-thủ, liền cất giọng ngâm-nga một mình. Lược
thuật ra đây, theo di-cảo của Song-nguyên Huỳnh-thúc-Kháng, bài "Cảm-thuật" mà ông đã ứng-khẩu
trong tiệm cơm, bên cạnh một bàn đèn và hai bát nước
chè quắn đậm:
Bài "Cảm-thuật" vừa chấm-dứt thì đoàn
người di-cư ở trong quán xá lại huyên-náo hơn nữa.
Ai nấy cũng thi đua, mỗi người chêm một câu để kéo
dài cuộc hội-họp vì họ cho rằng kinh-đô thất-thủ là
việc ngàn năm một thuở. Trong lúc quần-chúng đang
xao-xuyến tới cực-điểm như vậy thì ở trong tửu-điếm
tiến-sĩ Trần văn Dư vẫn ngồi tỉnh-ruội, có
vẻ trầm-tư mặc-tưởng. Quan chánh-sứ lắng tai nghe
tất-cả những mẫu chuyện rời-rạc có liên-hệ đến
việc khởi-nghĩa ở kinh-đô. Cuối cùng không kiềm-chế
được mối cảm-xúc, quan chánh-sứ để cho hai giọt
lệ nở ra trong khoé mắt.
Tiến-sĩ Trần-văn-Dư hồi-tưởng lại những trang-sử
giông-tố nhất trong đời sống của mình. Vừa mới hôm
kia, nhận được bức mật-thư của Tôn-thất-Thuyết, ông
liền từ-giả nha sơn-phòng trong một buổi sớm đầy
sương mù, đi thẳng một mạch ra tới Vĩnh-điện. Tại
đây ông đã gặp phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu, người ở
làng Thanh-hà, phủ Điện-bàn, lúc ấy giữ chức
thương-biện tỉnh-vụ. Hai người bàn-luận thật
lâu rồi dắt nhau vào tỉnh-đường để yết-kiến quan
tuần-vũ Nguyễn-đăng-Ngoạn, người ở làng Kim-giao,
huyện Mộ-đức, tỉnh Quảng-ngãi.
Tiến-sĩ Trần-văn-Dư đi ngay vào vấn đề:
- Nhà vua đã chạy ra Cam-lộ, Ngài định làm thế nào?
Quan tuần-vũ Nguyễn-đăng-Ngoạn trả-lời một cách
gián-tiếp:
- Nhà vua xuất-bôn thì đã có tam-cung và nhiếp-chính
Thọ-xuân-Vương thay thế.
Tiến-sĩ Trần-văn-Dư có vẻ không bằng lòng vì lối
phúc-đáp ấy:
-Ở đây ai cũng biết nhiếp-chính Thọ-xuân-Vương và
tam-cung làm tay sai cho Pháp. Ta sẽ ăn nói làm sao với
dân-chúng?
Tuần-vũ Nguyễn-đăng-Ngoạn cũng cảm thấy những khó-khăn trong việc đối-xử sau nầy, liền chất-vấn:
-Nếu không theo chính-quyền hiện-hữu, ta còn biết làm
gì hơn?
Nghe câu hỏi ấy, Tiến-sĩ Trần-văn-Dư đứng dậy nói một cách dõng-dạc:
-Tại sao ta không nắm lấy cơ-hội, chiếm-đoạt
tỉnh-thành và chống-cự với người Pháp ?
Tuần-vũ Nguyễn-đăng-Ngoạn suy-nghĩ hồi lâu, rồi lắc
đầu:
-Tôi không phải là người thổ-trước, trách-nhiệm ấy
không phải về phần tôi đãm-nhận.
Phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu cũng lấy đại-nghĩa để
khích-lệ lòng trung-quân ái-quốc của vị
tỉnh-trưởng, nhưng cuối cùng tuần-vủ Nguyễn-đăng-Ngoạn vẫn khư khư từ-chối, không dám đài-đương những
việc to lớn.
Cuộc thương-thuyết đã hoàn-toàn thất-bại. Phó-bảng
Nguyễn-duy-Hiệu bèn rủ quan sơn-phòng Trần-văn-Dư tới
dự một phiên họp bí-mật tại nhà cử-nhơn Lê-tấn-Toán, người làng Hà-lộc, phủ Điện-bàn. Lần nầy
giữa chiến-sĩ với nhau, sự đồng-ý về chánh-kiến có
thể thâu-thập dễ-dàng hơn. Ai nấy cũng muốn
lấy việc "cần-vương" và "bình-tây sát-tả"
làm phương-châm cho cuộc đấu-tranh của mình. Tuy vậy
một khi nhóm văn-thân bàn tới việc đề-cử lảnh-tụ, người ta mới bắt đầu suy-nụy, thối-thác
lẫn nhau.
Cử nhân Lê- tấn-Toán, người được sĩ-dân tán-thành
và tín-nhiệm hơn hết, lại viện lấy tuổi già, sức
yếu mà từ-khước.
-Tôi xin đứng ra ngoài và đem hết tài-sức ra làm việc
cho chính-nghĩa.
Ngự-sử Huỳnh-bá-Chánh, người ở làng Khái-đông,
huyện Hòa-vang, được công-chúng đề-bạt kế tiếp theo
đó cũng không chịu nhận việc.
- Nếu xét về tuổi tác, ông cử Hà lộc và tôi có
trội hơn quan sơn-phòng Trần-văn-Dư non một giáp. Nhưng
lấy cái tài-đức nhất là cái bồ chử ở trong ruột
thì quan sơn-phòng lại bỏ xa chúng tôi đến hàng mấy
chục dặm. Chi bằng ta tôn ngài lên làm minh-chủ rồi ta
núp đàng sau mà ủng-hộ, việc lớn tất-nhiên sẽ
thành.
Nghe lời Ngự-sử Huỳnh-Bá-Chánh đề nghị, hầu hết
văn-thân đều hưởng-ứng và mời tiến-sĩ Trần-văn-Dư
lên ngồi trên bộ phản giữa. Miễn-cưỡng quan sơn-phòng
sứ phải chấp-nhận và đứng lên tuyên-thệ trước mặt
bá-quan văn-võ.
Cuộc hội-nghị bế-mạc. Tiến-sĩ Trần văn Dư từ-giã
các đồng-chí, một người một bóng, ông cho con
ngựa Bum chạy như bay trên những quãng đường quen thuộc,
mỗi lúc mỗi xa-xôi, vắng-vẻ, hiu-hắt như gió biển
trăng ngàn.
Ngày mười chín tháng bảy năm 1885,
tiến-sĩ Trần-văn-Dư về tới nha sơn-phòng Dương-yên.
Quan tế-tửu Nguyễn-đình-Tựu, tiến-sĩ xuất-thân, người
ở làng Phú-thị, phủ Tam-kỳ, đã mang sắc-chỉ của
triều-đình vào chực sẵn tại đây. Theo lệnh mới,
Tiến-sĩ Nguyễn-đình-Tựu được sung-chức chánh-sứ tại
nha sơn-phòng Dương-yên. Tiến-sĩ Trần-văn-Dư phải
hoán-bổ bố-chánh tỉnh Bình-thuận. Tin này không làm cho
quan sơn-phòng Trần-văn-Dư ngạc-nhiên hay bực-bội, vì
trong mấy ngày gần đây, ông ráo-riết chuẩn-bị
khởi-nghĩa để chống lại người Pháp. Tin nầy cũng
không làm cho sĩ-binh lưu-ý, vì ở tại Dương-yên, từ
đề-đốc, lãnh-binh cho tới người lính thường, ai nấy
cũng đều biết nhà vua đã tạm lìa kinh-thành, tất cả
sắc-chỉ đều do nhiếp-chánh Thọ-xuân-Vương và Nguyễn-văn-Tường làm ra. Vì vậy lúc bàn-giao công-vụ, tiến-sĩ
Trần-văn-Dư vẫn đem ấn-kiếm ra nộp lại và chỉ nói
chua nói mát võn-vẹn có một câu trước mặt công chúng:
- Nhà vua đã xuất-bôn rồi. Ông tề-phụng mệnh ai mà
vào nhận chức nầy ?