Họp mặt ngày chạp mả. Bây giờ là cuối mùa đông. Tại ngôi nhà rường tám cột của ông Phó Thục ở làng An-sơn, huyện Quế-sơn ngươì ta vừa làm lễ chạp mả xong. Trời ở bên ngoài hơi rét, một vài luồn gió bấc từ miền núi thổi về làm cho mọi người run-rẩy, khó chịu. Ở bên trong mấy ngọn nến được thắp sáng soi chiếu mấy chiếc hương-án, mấy chiếc cổ-bồng chứa đầy những nãi chuối mật-mốc chín đỏ au bên cạnh những chiếc độc-bình xưa cắm đầy những cành bông hòe, bông tường-vi và bông thược-dược. Phía bên ngoài bàn thờ tổ-tiên, năm bảy vị tân-khách đương ngồi xấp-bằng trên chiếc phản ngựa gỗ, chung quanh một cái mâm đồng to lớn. Chủ-nhân không có mặt vì còn mãi lo tiếp khách ở các ngôi nhà khác trong khu vườn um-tùm, rộng-rãi. Hai vị lãnh-tụ Nghĩa-hội là phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu và cử-nhơn Phan-bá-Phiến ngồi đối-diện với nhau. Nhân-vật thứ ba là Ấm-sanh Nguyễn-Thành vắng mặt vì còn bận xây tổ uyên-ương với người con gái của tú-tài Cao-hữu-Chi ở trên bờ sông Trầu, thuộc địa-phận làng Sơn-tây, cách tỉnh-lỵ mới chừng non hai cây số. Ngồi bên trong hai vị lãnh-tụ Nghĩa-hội là cử-nhơn Nguyễn-lý-Thảng, người làng Phú-nhuận, phủ Duy-xuyên, lúc bây giờ làm kiểm-lý miền hạ-du, thương-biện Phạm-trọng-Thảng, người phụ-trách sở nhan-điền Phước-sơn, thi-sĩ Huỳnh-Quì bị bắt vào mùa đông năm bính-tuất và bị giam lỏng bên cạnh ban tham-mưu; cuối cùng là cô Dương-thị-Út, người đàn bà góa duyên-dáng vừa mới ở Việt-an lên. Mọi người đều vui-vẻ, tươi-cười như có một việc gì may-mắn sắp xảy đến. Ở giữa chiếc mâm thau đầy ngập thức ăn như thịt gà, cá sông, cá đồng, canh khoai-nần, canh khoai tréo mảy. Những chén cơm khá to sắp thành vòng tròn, chen lẫn với những diã xôi-vò, xôi đỏ, xôi trắng, những dĩa bánh nậm ngọt, nậm lạt, bánh in, bánh xà lam, bánh khổ-khảo, bánh chỉnh, bánh bảy lửa rất thông-dụng ở miền sơn-cước. Những dĩa bánh-tét, gói với nếp hương-bầu xanh mướt và nhuyển-bân. Cử-nhơn Phan-bá-Phiến ngồi cầm khách, dở chiếc bánh tráng nướng úp ở trên những chồng dĩa cao đến mấy tầng, vừa bẻ ra từng miếng nhỏ, vừa mời mọc. Mỗi khi thức ăn trong một chồng dĩa đã hết, người ta dẹp hết sang một bên, tiếp-tục tấn-công vào chồng thứ hai, gặp món gì phải dùng món nấy, không lựa chọn được. Chốc chốc cử-nhơn Phan-bá-Phiến lại cầm bình rót thêm rượu để tiếp cho các quan-khách. Hơi men bốc lên, làm cho ai nấy cũng say ngà-ngà, mặt bắt-đầu biến-sắc, đỏ gay, rồi đỏ tía. Bấy giờ hăng lên, người ta mới bàn đến chuyện thời-sự, nào là chuyện nhân-dân tự-động mở những trận giặc mèo, giặc nôi, giặc gióng làm cho địch phải bị tổn-thương, nào là chuyện heo sấm, voi sấm xuất hiện trong ban đêm ở nhan-điền Phước-sơn, phá-hoại hết mùa-màng. Có một vị quan-khách chất-vấn, hường-lô Nguyễn-duy-Hiệu phải ngừng chén rượu để giải-thích. Lính du-kích thường hay bắt mèo hoang lấy giẻ rách buộc vào sau đuôi, chich lửa thả cho chúng chạy vào trong đồn-lũy của đối-phương. Ở miền bể, họ lại đào lỗ ở dưới cát để ẩn-núp, rồi lấy một chiếc nôi rách đậy lên trên, nằm chờ-đợi như vậy nhiều ngày, nhịn đói nhịn khát cho đến khi nào tên lính Pháp đóng ở gần đấy, vô-tình bén mảng đến, họ đứng dậy, dùng mã-tấu để chém và cắt lấy thủ-cấp đem về nạp quan sở-tại mà lãnh thưởng. Còn voi sấm, heo sấm là những thứ ma hời, những con vật vô hình, mỗi ban đêm lại xuất-hiện, kêu rống ầm-ỉ, giậm nát lúa thóc ở ngoài đồng; khi lính Đoàn-kiết kéo ra xem, thì lại không thấy tăm dạng ở đâu hết. Câu chuyện giặc-giã vừa chấm-dứt, quan-khách bắt đầu nói bông đùa một vài câu. Chủ nhà, sau khi sắp đặt bánh trái vào thúng mũng cho bọn đầy-tớ đi cẩn, đi biếu xong, bước lên đứng chống nạnh bên cạnh bàn tiệc, chỉ vào hai câu liễn-đối treo ở phía trước bàn thờ mà nói: - Hai bức liễn giấy nầy mới mua về, còn nguyên-vẹn, xin quí ngài vui lòng giúp cho năm ba chữ cho hai bức liễn được mỹ-mãn hơn. Hường-lô Nguyễn-duy-Hiệu đề-nghị nên làm bằng chữ nôm, cử tọa đều tán-thành. Trên hai bức liễn-đối có vẽ những hình người với nét bút tao-nhã; ở bên trái là bốn người đàn bà, người thứ nhất mặc áo trắng, người thứ nhì mặc áo đen, người thứ ba cầm một chiếc lồng đèn, người thứ tư đang thổi ống sáo; ở bên mặt là bốn người đàn ông, người thứ nhất đứng bên cạnh một lạch nước, người thứ nhì bên cạnh một chóp núi, người thứ ba cầm một ngọn đuốc sáng, người thứ tư đương nhìn ánh bình-minh chói-lọi ở nơi chân trời. Thương-biện Phạm-trọng-Thảng nhìn hai bức tranh một hồi lâu, rồi cất giọng ngâm hai vế rất sát :
Mọi người vỗ tay tán-thưởng. Lúc bấy giờ có hai đứa cháu gái của gia-chủ là con Đũa và con Chén, một đứa mới lên năm, một đứa mới lên bốn, còn ở giổng tồng-ngồng, ở đâu ngoài sân mới chạy vào ngồi bệt ở trên thềm, quay mặt vào các vị quan-khách. Nhìn thấy vậy, ai nấy cũng túm-tím cười, nhất là khi trong bữa tiệc có sự hiện-diện của một vị phụ-nữ. Cử-nhơn Phan-bá-Phiến rung đùi một cách đắc-chí lắm và hỏi nhà thi-sĩ miền Chín-xã sông-Con lúc nãy giờ còn bận ngồi nhậu-nhẹt ở ngay cạnh mình : - Ông giỏi về thơ trào-phúng, ông thử làm một bài tức-cảnh, hễ làm hay tôi sẽ thưởng cho ba quan tiền, hễ làm dở tôi sẽ tặng cho một cái giáu quạt. Chẳng từ-chối một tí nào cả, tú-tài Huỳnh-Quì cất giọng ngâm bốn câu tứ-tuyệt rất tinh-xảo, làm cho cô Dương-thị-Út ngồi ở trong tận cùng phải thẹn đỏ mặt. Bài thơ "âm-hộ" ấy chỉ gồm võn-vẹn có hai mươi bốn chữ như sau:
Bữa tiệc chấm-dứt với vài cuộc giải-trí thông thường như một ván cờ, một ván bung-vung, một sòng xì-lác.
|