Đoạn kết của một bậc anh-hùng
Thời bây giờ, giòng Hương-giang đã mất đi vẻ êm-đềm, thi-vị. Dưới triều-đại vua Tự-Đức và vua Hàm-Nghi, thành-phố Huế vang rộn gót giày của các vị tướng-lãnh, cuả binh-lính nhiều binh-chủng. Lục-quân với những cái gươm cái giáo sáng quắc, những khẩu súng thần-công nặng-nề, chậm-chạp, những bộ triều-phục kềnh-càng. Thủy-binh với những mái chèo nhịp-nhàng, uyển-chuyển, những chiến-thuyền với hàng trăm thủy-thủ ngồi sắp hàng dài hai bên khoang. Sớm cũng như chiều, những chiếc xuồng nho nhỏ lướt sóng để vận tải hàng quà bánh hoặc luơng-thực cần-thiết cho đám quân-nhân. Thỉnh-thoảng chen lẫn vào những giang-đỉnh cổ-truyền, là một vài chiếc thuyền rồng xa-hoa đương trôi nhanh theo làn gió, mang theo những vị công-chúa yêu-kiều diễm-lệ. Hai bên bờ sông, không còn bóng dáng của những ông hoàng-thân phong-lưu, si-tình hay theo chọc-ghẹo những cô gái xinh xinh hai bên đường. Bến Thương-bạc cũng vắng đi những bậc công-tử ăn dưng ngồi rồi, mỗi ngày tụ-tập ngâm thơ, vịnh cảnh, làm nên những câu thơ, câu hò bất-hủ .Thời-đại bây-giờ là thời-đại chiến-tranh, tác-phong bây-giờ là tác-phong thượng-võ. Tuy ở trong thành-nội có bày ra viện Tập-hiền, tuy ở miền Vỹ-dạ, văn-nhân thi-sĩ thỉnh-thoảng có gặp nhau để xướng-họa, tuy Mạc-vân thi-xã của hai ngài Tùng-Thiện, Tuy-Lý có trở nên nổi tiếng trên toàn quốc, nhưng khắp đâu đâu trong kinh-đô, người ta cũng luyện-tập võ-nghệ, cũng rèn đúc khí-giới để chiến-đấu với quân-thù. Dọc theo hai bờ sông Hương, không có chỗ nào là không có những trại thủy-quân lợp tranh san-sát nhau. Trên mặt nước, những nhà thủy-tạ có đôi khi là những câu-lạc-bộ cho văn võ bá quan, nhưng cũng có đôi khi dùng làm biệt-thự cho các vị thủy-quân đô-đốc. Những ngôi nhà nầy đã bị người Pháp đốt cháy để lấy ánh-sáng chiếu vào thành-nội trong nhiều trận giao-chiến. Du-khách có dịp viếng thăm thành-phố Huế, đứng nhìn giòng Hương -giang êm-đềm, trong giây-lát, họ có thể ngậm-ngùi trước một triều-đại đã qua, luyến-tiếc vẻ cổ-kính còn bàng-bạc trên những cung-điện, đền-thờ, lăng-tẩm. Họ đâu có biết tới những cảnh-sắc huy-hoàng, những trang-sử oai-nghiêm hùng-tráng, những tấn-tuồng bi-thảm, đã diễn ra trong thời kỳ vàng son xa xưa ấy. Vào thượng-tuần tháng tám năm Đinh-hợi, trại Võ-lâm, trên bờ Hương-giang, có vẻ xôn-xao, rộn-rịp hơn bình-thường. Dân-chúng kéo nhau tới xem đông như kiến, vì không hiểu rõ việc gì cứ bảo thầm bảo nhau "giặc! giặc!". Nhiều người hiếu-kỳ chen-chúc vào tới trong võ-khố, bị hàng rào lính thủy ngăn chận, phải tháo lui, gặp ai hỏi thì chống nạnh trả lời ra vẻ thông-thạo: - Cọp! cọp! Quần-chúng nghe nói như vậy bu kín-mít chung quanh diễn-giả mà chất-vấn : - Cọp thật đấy à, lớn hay nhỏ thế anh? Một vài đứa con nít ra vẻ thức-thời, cũng trèo lên một đống gỗ kê sát bên tường, rướng chân lên mà nói leo một câu cho thỏa dạ: - Cọp thật đấy bà con ơi! một con vằn, một con vện"! Nhiều vị bô-lão, đứng nghe ngóng mà chưa hiểu rõ cớ-sự ra làm sao, liền át tiếng bầy ranh con, mắng khẽ: - Con nít biết chi việc triều-đình mà cũng xớn mày, xớn mặt lên? Trong khi ấy, một người lính giản, từ bên trong tòa nhà vừa mới mở cổng bước ra, dân-chúng lại bỏ dở câu-chuyện, rủ nhau quay-quần chung quanh người lính để tìm hiểu manh-mối. Nhưng vị quân-nhân nầy cũng không biết gì hơn, chỉ nghe lóm câu chuyện nửa được, nửa mất từ miệng một người bạn, liền biạ-đặt một vụ vây cọp ở miền sơn-cước để lừa đồng-bào cho dễ-dàng lánh đi chổ khác. Không ngần-ngại, hắn liền nói: - Cọp thật đầy! một con lớn, một con nhỏ. Có người hỏi thật to: - Chết hay sống thế hở anh? Người lính xua tay trả lời một cách cương-quyết: - Còn sống mà lị! vầy hội ở trên núi, làm sao mà chết được? Sự thật thì bữa ấy, ở tại kinh-sư, không có voi, không có cọp như người ta tưởng-tượng, ở các tỉnh lân-cận cũng không có một con ác-thú nào sập hầm hay mắc bẫy. Chỉ có một vị anh-hùng cái-thế, một bậc công-thần nguyên-luân, người đã châm ngọn đuốc cho phong-trào cần-vương, chống Pháp cứu nước, phải lọt vào nanh-vuốt của bọn quan-lại bán nước, phải sa vào lưới sắt của bọn thực-dân. Sự thật là như vậy! Sau khi bị bắt tại Ngũ-hành-sơn, phó-bảng Nguyễn-duy-Hiệu bị nhốt trong một cái cũi sắt với người con trai và cứ y như thế mà giải về Thuận-hoá. Cũi dài ba thước tây, rộng hai thước. Người con trai vừa được mười lăm, mười sáu tuổi. Vào tới kinh-đô, tù-nhân vẫn bị nhốt trong cũi sắt, được đưa vào để trong trại Vỏ-lâm, làm cho dân-chúng phải một phen thắc-mắc. Khâm-sứ Pháp ở Trung-việt là Louis Baille thương-lượng ngay với chính-phủ Nam-triều và thành-lập một hội-đồng hình-quan để xét-xử. Cuộc thẩm-vấn diễn ra một cách dễ-dàng, mau chóng vì bị can lúc nào cũng thản-nhiên, bình-tỉnh, khai-báo một cách hết sức rỏ-ràng, dứt-khoát. Hình-bộ thượng-thơ Nguyễn-Thuật muốn hồi-tị và đề-nghị nên đưa vụ này ra xét-xử trước hội-đồng cơ-mật, vì bị can đã thăng tới hàm Hồng-lô tự Khanh, mà lại còn thuộc về hàng phiến-loạn đặc-biệt. Hai chính-phủ Nam-triều và Bảo-hộ đều thỏa-thuận như vậy. Ngày mười ba tháng tám năm Đinh-hợi, các vị đại-thần trong viện cơ-mật mới hội họp đông đủ tại nhà Di-luân: người đại-diện cho Bảo-hộ là Khâm-sứ Louis Baille và quan đốc-phủ-sứ Diệp-văn-Cương; đại-diện phía Nam-triều có Lại-bộ thương-thư kiêm viện-trưởng cơ-mật Nguyễn-trọng-Hiệp, các vị thượng-thơ Nguyễn-Thuật, Hồ-Lê, Tôn-thất-Phan, quan tham-tá Nguyễn-Hoàng và phủ-thừa Tôn-thất-Bá. Đúng tám giờ sáng, phiên tòa khai-mạc. Trước đấy chừng vài khắc, chưởng-vệ Nguyễn-hữu-Văn thân-hành ra trại Vỏ-lâm để đưa bị can xuống thuyền, theo con sông Ngự-hà, đục xuyên qua thành-nội để tiến về ngã Lục-bộ. Chiếc thuyền vừa mới cập bến, mấy lính áp-tải còn đương chuẩn-bị đưa bị can lên mặt đất, thình-lình một cái dùi nhọn bằng sắt từ trong góc cũi văng ra thật nhanh, nặng-nề rơi xuống nước. Lúc bấy giờ ai cũng hết sức ngạc nhiên. Trong thâm-tâm, mọi người đều yên-trí rằng bị can đã có âm-mưu với bên ngoài để thoát lìa cỏi đời trước giờ bị xét xử. Tuy vậy người ta cũng không có thơì-gian phán-đoán, bàn-luận phù-phiếm, vì từ trong pháp-đình, một hồi-trống chầu đã vang lên, rầy-rà, thúc-giục. Mấy tên lính áp-tải chỉ biết thâu-nhặt lấy tang-vật để trình lên thượng-cấp, rồi vội-vã lên đường. Trong chốc lát, chiếc cũi lịch-sử đã lọt vào trong phòng hội-đồng chiếm hết một vị-trí khá rộng. Bị can không được phép ra khỏi chuồng giam trong trường-hợp nghiêm-trọng nầy, cứ ngồi im-lặng trên lá cót tre ở một góc cũi, mình bận áo the đen hơi nhàu-nhàu, đầu vẫn còn chít khăn nhiễu màu đen, hai chân xếp bằng gọn-gàng, tròn-trịa theo kiểu nhà Phật, hai tay dựa trên một cái hộp cau trầu lát xa-cừ, đặt ngay trước mặt. Chốc chốc bị can lại dở tay lên, phe-phẩy chiếc quạt giấy vài cái như để xua đuổi bớt làn không-khí nặng-nề trong phòng, rồi khoan-thai nhìn quanh-quất với cặp mắt đen long-lanh, bình-tỉnh. Dung-mạo uy-nghi tuấn-tú dị-thường, bị can trạc ngoại tứ-tuần với nước da trắng, trán bích-lập, mũi diều-hâu. Ở góc bên kia, người con trai cũng ngồi theo kiểu ấy, thân-hình tiều-tụy, mặt tái-mét, bơ-phờ vì những đêm thao-thức, những cơn mệt nhọc liên-tiếp ở trên đường thiên-lý mà tuổi-tác, tính-tình không cho phép chịu đựng nỗi. Người thanh-niên hiền-lành chất-phác ấy sẽ không phải tù-tội, mất đầu vì một lẻ giản-dị là không có chân trong Nghĩa-hội và không bao giờ tham-dự các cuộc bạo-động tại miền sơn-cước. Tiểu-phủ-sứ Nguyễn-Thân chỉ bắt-buộc cậu ta phải gia-nhập vào đoàn lính tập sơn-phòng và phải vào lưu-trú vĩnh-viễn tại Quảng-ngãi. Lúc phiên tòa khai-mạc, tìm cách che-chở cho các đồng-chí trong Nghĩa-hội đông tới chừng vài trăm người, bị can bình-tỉnh một mực khai với giọng ôn-tồn rắn-rỏi: - Ở miền nam nầy, trong hàng ngũ sĩ-phu Nghĩa-hội, tôi là người khởi-xướng thành-lập, tôi là thủ-lãnh chịu trách-nhiệm quyết-định mọi công-việc, là người duy-nhất có quyết tâm khởi-nghĩa mà thôi. Những người khác từ hoàng-giáp Phạm-như-Xương, tiến-sĩ Phạm-Tuấn sấp xuống, đều là người thừa-hành của tôi cả, bị tôi ép-buộc mà phải miễn-cưỡng vâng-lời, chớ tự họ, họ không có ý gì khác. Nếu họ không nghe theo tôi, như trường-hợp tú-tài Trần-Thừa, thì sẽ có lưỡi gươm của tôi kề ngay tận cổ. Xin chém một mình tôi, đừng nhọc lòng hỏi tội những hàng phụ-thuộc. Nghe bị-can cung-khai như vậy, hình-bộ thượng-thư Nguyễn-Thuật lật chồng hồ-sơ ra xem một lần nữa, thấy bị-can thủy-chung vẫn giữ một lập-trường duy-nhất, mặc dầu bị quan trên dỗ-dành, hay bị lính sơn-phòng tra-tấn tàn-nhẫn. Trên những tờ giấy trung màu la-ngà, những nét mực đen của bị-can vẫn còn bày sờ sờ ra đấy: "Quảng-nam Nghĩa-hội, duy Hiệu nhất nhân, tự Hiệu dĩ-hạ, do Hiệu áp-bức”. Hình-bộ thượng-thư Nguyễn-Thuật đọc xong tất cả giấy tờ một lượt, lạnh mình và hỏi bị-can một lần chót: - Ngài còn muốn khai điều gì nữa không? Bị can thản-nhiên lắc đầu, sè chiếc quạt cầm sẵn trên tay ra phe-phẩy vài cái nhẹ-nhàng, khoan-thai. Cuộc thẩm-vấn kết-thúc. Các vị đại-thần kéo nhau vào phòng kín để luận tội. Chỉ có Khâm-sứ Louis Baille, đốc phủ-sứ Diệp-văn-Cương, phủ-thừa Tôn-thất-Bá không đi theo mà sang một phòng khác, ngồi mạn-đàm. Câu chuyện quây quanh vấn-đề phiến-loạn. Khâm-sứ Louis Baille lấy ra một cuốn sổ nhật-ký, lật nhanh một vài trang, đưa cho đốc-phủ-sứ Diệp-văn-Cương xem: Hồng-lô Nguyễn-duy-Hiệu bị bắt giữa Hội-an và Đà-nẳng. Người nầy còn trẻ tuổi, học giỏi và có nghị-lực phi-thường. Sau khi vua Hàm Nghi chạy ra Tân-sở, bị can khởi-nghĩa tại Quảng-nam, hoạt-động tại miền rừng núi, kết-hợp các đồng-chí văn-thân thành một đảng cách-mạng duy-nhất có chủ-trương, kế-hoạch hẳn-hoi và dần dần đã nổi tiếng trong dân-chúng, qui-tụ những tỉnh phụ-thuộc gần thành một tiểu-quốc. Tính-tình nghiêm-nghị, trầm-lặng, rắn-rỏi, bị can đã hướng-dẫn quần-chúng chống lại triều-đình hiện-tại và biến phong-trào phiến-loạn ở Quảng-nam thành một cuộc khởi-nghĩa rộng lớn, kéo dài từ biên giới Nam-việt cho tới Hải-vân-quan. Chẳng bao lâu, bị can đã gieo-rắt được tinh-thần ái-quốc, ý-chí quật-cường cho dân-chúng. Bị can đã thức-tỉnh những khối-óc từ trước đến nay vẫn ngây-thơ, mộc-mạc, đã khơi-dậy một tâm-lý tuy không mới mẻ, nhưng vẫn bàng-bạc, lờ-mờ trong người Việt-nam là mối căm-thù đối với ngoại-bang, đối với công-giáo. Vì những lẽ ấy, thanh-thế của bị-can có thể lan ra dễ-dàng, mau chóng trong địa-hạt. Tất cả mọi người, từ những bậc giàu-sang, cho đến hạng nghèo hèn, từ những vị khoa-bảng trứ-danh cho đến hàng nho-sĩ, ai nấy cũng tuyệt-đối tuân theo lệnh Cần-vương. Có nhiều cánh đồng phì-nhiêu cò bay thẳng cánh đã trở thành hoang-dã, vì dân-chúng đã tiêu-hủy hết tất cả mùa màng, vườn-tượt để di-cư về những vùng hẻo-lánh. Có nhiều làng-mạc triệt-để hơn đã phá-hoại tan-tành các nhà ngói gạch, đền chùa vì sợ quân Pháp có thể dùng làm trú-sở trong lúc thừa-hành công-vụ, hay xây-dựng những pháo-đài tạm-thời để kiễm-soát những vùng lân-cận. Thế mà dân-chúng vẫn ngoan-ngoản thi-hành, không bao giờ than-phiền, không mảy-may oán-trách. Còn sách-lược của bị can cũng khá đơn-giản, nghĩa-quân chỉ nhắm một mục-đích duy-nhất là tiêu-hao lực-lượng địch bằng lối du-kích. Vì vậy những toán quân viễn-chinh của Pháp bị quấy-rầy không ngớt: không có đêm nào các vị-tướng lục-lâm không tới khiêu-khích một vị-trí nầy, tấn-công một đồn-lũy khác, rồi bỏ trốn tức-khắc để tránh những cuộc truy đuổi. Nếu không nhờ tới sự hợp-tác của tiểu-phủ-sứ Nguyễn-Thân, một vị tướng-lãnh cực-kỳ thông-minh, đã ghi được nhiều thành-tích vẻ-vang trong cuộc chinh-phục xứ Quảng-nam, chính-phủ bảo-hộ còn phải chịu nhiều thảm-họa hơn nữa. Sự đầu hàng của bị can tại Ngũ-hành-sơn là một việc bất-đắc-dĩ. Trong thâm-tâm tất cả mọi thành-phần dân-chúng từ các vị quan-lại có trọng-trách trong triều-đình đến các hạng tráng-đinh cùng vô sở xuất, ai nấy cũng mến-phục cái lòng khẳng-khái, cái tính cương-nghị của bị can. Do đó những kẻ có thẩm-quyền trong vụ án-tiết nầy, cũng khó đưa ra một bản kết tội hợp-tình hợp-lý mà tránh được những lời thanh-nghị của hàng trí-thức, dư-luận của quần-chúng trong nhiều thế-kỷ trở về sau. Nói cho thành-thật, bị can không thể nào được miền-tố, được ân-xá, được áp-dụng trường-hợp giãm-khinh hay là hưởng một sự khoan-hồng nào khác của chính-phủ. Bị can đã chồng-chất trên vai nhiều sự phá-phách, nhiều sự chém-giết. Chính theo mệnh-lệnh của bị can mà nhiều tín-đồ công-giáo đã bị sát-hại tàn-nhẩn tại Bình-kiều, tại Tân-an, tại Phú-bình, tại Trà-kiệu và nhiều nơi khác nữa. Chính theo mệnh-lệnh của bị can mà nhiều bậc văn-thân có uy-tín trong dân-chúng phải bị giam-giữ tại nhà lao-xá Nghĩa-hội ở Tân-tỉnh và bị thiêu-hủy một cách hết sức thê-thảm. Chính theo mệnh-lệnh của bị-can mà đại-úy công-binh Besson cùng nhiều tên lính tùy-tùng đã bị phục-kích và bị hành-thích dã-man tại làng Nam-quan, gần đèo Hải-vân. Chỉ mỗi việc sau nầy cũng đủ để gạt sự trắc-ẩn ra khỏi tấm lòng của một viên sĩ-quan cai-trị Pháp. Theo lẽ thường, luận-lý hình-thức khác hẳn với luận-lý tình-cảm, do đó trí-não không bắt-buộc phải theo những điều ước-thúc của tâm-can. Vậy lý-trí không thể nào không nghĩ đến chủ-trương "bình Tây sát tả" mà bị can đã thực-hiện trong mấy năm gần đây; không thể nào không nghĩ đến công việc tế-thế an-bang, mà bị can sẽ làm cho chính-phủ bảo-hộ hay chính-phủ Nam-triều, trong lúc bình-trị cũng như trong thời-kỳ rối-loạn, nếu thời-thế ngẫu-nhiên xui khiến, bi can được giữ một vai-trò quan-trọng trong chính-quyền. Người ta thường nói rằng giữa người điên-cuồng và những bậc thiên-tài chỉ có khoảng cách của một bức màn vô-hình, tinh-vi, mỏng-mảnh. Người ta cũng thường nói rằng giữa một tâm-hồn thác-loạn vào trường-hợp của bị can, và một nhà chính-trị thực-thụ, tấm màn phân-biệt kia chẳng bao giờ có nốt. Phải chăng vụ án-tiết sắp xảy ra là một bài học quí-báu cho tất cả những ai muốn đi vào con đường luật-pháp, nhưng cũng là một bài học vô cùng não-nễ, tế-nhị. Đốc-phủ-sứ Diệp-văn-Chương vừa đọc xong đoạn nhật-ký, thở dài, nhìn sang bên cạnh, thấy các vị đại-thần đã lục-tục kéo ra. Bây giờ hội-đồng cơ-mật họp lại để tuyên-án. Thượng-thơ Hồ-Lê đứng lên dõng-dạc đọc bảng cáo-trạng: - Chiếu-chi vào năm Giáp-tuất, Hường-lô Nguyễn-duy-Hiệu có ra Thuận-hóa họp mặt với Tôn-thất-Thuyết, Nguyễn-văn-Tường, Nguyễn-thiện-Thuật, Phan-đình-Phùng để âm-mưu chống lại chính-phủ Bảo-hộ. -Chiếu chi vào năm Ất-dậu, sau ngày vua Hàm-Nghi khởi loạn, bị can đã cùng với tiến-sĩ Trần-văn-Dư ở Quảng-nam, cử-nhơn Lê-trung-Đình ở Quảng-ngãi, cử-nhơn Mai-xuân-Thưởng ở Bình-định lập ra Nghĩa-hội, chiếm-đoạt tỉnh-lỵ, tổ-chức chính-quyền, tạo nhiều thảm-họa trong dân-chúng. -Chiếu chi theo phong-tục và luân-lý Việt-nam thì sau khi thân-mẫu già đến ngoại bát-tuần bị bắt, bị giam-giữ và bị tra-tấn, bị can phải tự mình ra xuất-thú để chuộc tội cho những bậc sinh-thành. Việc này đã không xảy ra. -Chiếu chi, bị can, không những không cải-tà qui-chánh mà lại còn tìm cách chống cự với triều-đình, tiếp-tục cuộc đấu-tranh với chính-phủ Bảo-hộ, làm cho binh-sĩ phải nhọc lòng đi chinh-phạt, phải tốn nhiều xương máu. -Chiếu-chi bị can là một kẻ phản-loạn đã coi thường cái tư-cách của một vị công-thần, đã làm mất cái thanh-danh của một nho-sĩ. Vì những lẽ ấy, hội-đồng cơ-mật xử: 1.- Bị can phải bị tội trảm-quyết, 2.- Đầu phải chở về bêu tại tỉnh nhà, 3.- Thân mình phải bị chặc ra làm bốn mảnh để đem trưng-bày tại các ngả chợ. Nhờ có Khâm-sứ Louis Baille chính-thức can-thiệp, các vị đại-thần mới duyệt lại khoản thứ ba nên việc phân thây bị bãi-bỏ. Chiều bữa ấy, lại-bộ thượng-thư Nguyễn-trọng-Hiệp vào cung Càn-thành để yết-kiến vua Đồng-Khánh và dâng bản án lên cho Hoàng-thượng cứu-xét. Nhà vua đọc xong lời phán-quyết, suy-nghĩ rồi nói: - Đức Thế-tổ tiêu-diệt nhà Tây-sơn, sát-hại các vị tướng-lãnh: Trần-quang-Diệu, Bùi-thị-Xuân, Nguyễn-văn-Thành, Đặng-trần-Thường một cách hết sức tàn-nhẩn, mà đến nay con cháu nhà Nguyễn vẫn còn ở trên ngai vàng. Từ ngày lên chấp-chánh Trẫm mới giết có một quan thượng-thư Phan-đình-Bình mà thôi, nay phải thêm vào lý-lịch một nhân-vật thứ hai nữa để cho hậu-thế khỏi có lời dị-nghị. Đoạn nhà vua lấy một cái cán bút son, vạch một cái dấu tròn nhỏ xúi ở phía dưới bản án, cái dấu rất quen thuộc quyết-định sự sống còn của dân-chúng. Nhà vua trả tất cả hồ-sơ lại cho quan thượng-thư và căn-dặn kỹ-lưỡng: - Trẫm rất bằng-lòng và trông cậy nơi ngài để vụ tử-hình này được thi-hành tức-khắc. Thượng-thư Nguyễn-trọng-Hiệp phụng-mạng ra về. Cách một ngày sau, vào lúc năm giờ sáng, bọn lính Vỏ-lâm vào thức bị can dậy, và bưng sẵn trên tay một mâm cơm đầy những thức ăn khá sang-trọng. Biết giờ quyết-liệt đã đến,bị can thay quần áo, bịt khăn đen thật chỉnh-tề và lấy số tử-vi ra xem. Sau đó, vào lúc tám giờ, lại có một vị hình-quan, mặc triều-phục vào dừng bước trước cỗng trại và ra dấu cho binh-sĩ khởi-hành. Mấy tên lính áp-tải đưa chiếc cũi xuống dưới bến, đặt vào khoang thuyền đi ngược giòng lên cầu Bạch-hổ, theo con sông đào mà ra chợ An-hòa. Trên một chiếc thuyền hộ-tống, đi trước, có một tên lính cầm một tấm gỗ sơn son thiếp vàng, chốc chốc hắn lấy đùi gõ thật mạnh vào cái thinh-la treo ở bên cạnh rồi đọc lệnh xử trảm của nhà vua cho mọi người được biết. Nghe có tiếng huyên-náo, dân-chúng chạy ra xem đen nghịt. Chẳng bao lâu chiếc thuyền đã dừng lại, bọn lính áp-giải dẫn bị can ra pháp-trường. Ở phía giữa khoảnh đất trống-trải tiếp-giáp ngay với con đường quốc-lộ, theo thủ-tục hướng-hành, người ta có đào một cái huyệt khá sâu, lát dăm-bào, và trồng một cái cọc dài chừng một thước tây. Cỏ dại ở hai bên miệng hầm đã được giẫy sạch như trong ngày Tết. Trên mặt đất vừa mới dọn-dẹp, mấy tên giáp-trưởng làng sở-tại còn rắc một lớp cát mịn-màng, trắng trẻo. Người ta đã chuẩn-bị tỉ-mỉ để đón tiếp hai vị đại-diện của chính-phủ trực-tiếp chứng-kiến vụ tử-hình này. Họ đã thân-hành tới dự buổi lễ, ngồi chễm-chệ trên hai con voi ngà cao lớn, đầu che lọng vàng, mình bận triều-phục. Về bên trái, người ta đã bố-trí hai tên lính mặc áo dấu, một người cởi con ngựa kim, tay cầm giáo dài, lưng đeo chiếc ống vọi. Không nhẫn-nại được, mấy con tuấn-mã, từng chặp, lại giẫm chân, xù lông hí rộn-rã làm cho mấy tên lính giản khiêng thinh-la đứng ở bên cạnh và phường nhạc bát âm, ngồi bệt ở dưới đất, cũng phải xôn-xao tấc dạ. Phía sau là nơi tiếp xúc với thôn xóm, người ta đã huy-động nhiều toán lính khố xanh, kẻ mang súng trường, người đeo mã-tấu để giữ-gìn trật-tự. Họ còn đương tụ-họp chuyện trò, nhưng lát nữa họ sẽ phân-tán để tạo-thành một tấm bình-phong vững chắc giữa hội-trường và dân-chúng. Phía trung-tâm, sát với miệng hầm có đặt một cái châu-án với bộ bút-nghiên và năm bảy tờ giấy trắng. Mấy tên đao-phủ-thủ bịt khăn đen, mang hài xám, mặc áo cổ y và buộc ở giữa thân mình một tấm vải điều màu sặc sỡ. Trên vạt đất mới tròn trịa như một cái tán, họ còn đi qua đi lại một cách tự do, y hệt những vị tử-thần trước giờ sát-phạt, cầm sẵn ở trên tay một cái gươm thật dài, hình cong cong, mũi nhọn hoắt. Bỗng chốc từ phương xa, một tiếng vọi nỗi lên, vang dậy khắp nơi. Ở hội trường, mấy tên kỵ-mã cũng hưởng ứng theo tiếng vọng từ xa mà gọi lên dõng- dạc, làm cho cử-tọa phải rụng-rời, tê-tái: - Giờ trảm-quyết đã đến. Lệnh truyền ra tất cả mọi người đều bận rộn: mấy vị hình-quan phải lo chỉnh đốn cân đai, mấy tên lính khố xanh phải lo chạy qua chạy lại lăng xăng, mấy con voi ngà phải lo nguýt đuôi, mấy con ngựa kim phải lo nhảy nhót, trống phải gióng, chiêng phải khua, phường nhạc bát-âm phải lo cử bài mật-niệm. Đáng chú-ý hơn hết là đoàn quân áp-tải còn đứng chầu-chực ở bên đường quốc-lộ, họ không có thể nghe điều gì, nói điều gì, thấy điều gì hết trước khi bị can vào pháp trường. Hình như tên đao-phủ-thủ cũng có những mối cảm-xúc tương-tợ, cho nên khi nhận được lệnh thượng-cấp, hắn liền tách rời các bạn đồng-nghiệp, vội-vàng chạy ra ngoài cỗng để hướng-dẫn bị can lên đoạn-đầu-đài. Bây giờ hai nhân-vật tiến bước song song trên lối cỏ mòn, giữa những điệu nhạc bát- âm buồn-rầu, thảm-đạm, những tiếng than van, những lời nguyền-rủa của dân-chúng tụ-tập quanh pháp-trường. Nhưng những lời thanh-nghị của sĩ-phu, dư-luận của quần-chúng bị trấn-áp ngay, chỉ trong chốc lác an-ninh lại được vãn-hồi y như cũ. Mặc dầu bị nhốt lâu ngày trong một cái cũi chật hẹp, bị đối-xử tàn-tệ súc-vật, bị can vẫn ăn nói, cử-động một cách tự-nhiên, không mảy may tỏ vẻ mệt nhọc. Vào tới trung-tâm pháp-trường, bị-can đứng dựa vào chiếc cọc tre, khoan-thai nhìn đồng-bào một lần cuối cùng, rồi kín-đáo nhoẻn miệng cười. Chẳng muốn để cho một kẻ tử-hình hưởng tự-do nhiều hơn nữa, tên đao-phủ-thủ tiến lại gần, mở khuy áo của bị can, lật bâu xuống cho tới ngực, rồi nói khe khẻ: - Ngài có muốn trối-trăn điều gì hay không? Bị can sực nhớ đến mấy nhà cách mạng tiền-bối, lên tới máy chém mà vẫn còn múa bút làm thơ, không hề luyến-tiếc cuộc đời, không có một tí gì là sợ-sệt. Bị can cũng muốn noi theo cái truyền-thống hào-hùng, cái khí-phách ngang-nhiên, siêu thoát ấy và trả lời: - Tôi có vài câu tâm-sự, muốn bày tỏ cùng toàn-thể quốc-dân, nhưng lại thiếu phương-tiện. Tên đao-phủ-thủ hiểu ý ngay, chạy đi tìm những thứ dụng-cụ văn-phòng cần-thiết, đem lại trao cho bị can và nói: - Hiện nay chúng ta chỉ còn tối-đa là mười phút, xin ngài làm cho thật nhanh, kẻo nữa tôi lại bị khiển-trách. Bị can lấy bút mực ra, nhẹ mĩm cười lần thứ hai như có một ý-tưởng vui-tươi, hiền-hòa vừa mới chạy thoáng qua trong tâm-trí, cuối xuống viết một hơi bài "Tuyệt mệnh" như sau:
Viết xong, bị can nhìn đi nhìn lại những giòng mực đen chạy ngoằn ngèo trên tờ giấy trắng tinh, sắc-sảo chẳng khác một tấm thiếp lan-đình ngày xưa rồi đứng dậy nói với tên đao-phủ-thủ: - Thôi! Tôi xin đi, ông hãy giúp cho tôi được yên-ổn. Bị can chưa dứt lời thì một hồi trống-chầu cùng vớ hồi thinh-la vang lên inh-ỏi. Tiếp theo đó, phường nhạc bát-âm bắt đầu hoạt-động trở lại, gieo vào hội-trường những âm-điệu lạnh-lùng bi-đát. Tên đao-phủ-thủ đưa bị can tới chiếc cọc tre, lấy dây buộc hai cánh tay lại, rồi huơ chiếc gươm lên thật cao để lấy đà mà chém. Bị can trông thấy một tia sáng đi qua thật nhanh trước mắt, mĩm cười lần chót, rồi tắt thở. Bây giờ là ngày rằm tháng tám năm Đinh hợi. Chiều ấy, một chuyến xe lửa đặc-biệt khỉ-hành từ Phú-xuân vào Đà-nẵng mang theo một cái đầu người còn tươi rói. Viên án-sát Quảng-nam thân-hành ra đón nhận cái thủ cấp, đem về bêu tại bến đò Vĩnh-Điện, về phía tả-ngạn sông Câu-nhí. Chính trong lúc ấy, một viên đội-lệ và năm tên lính trạm cấp-tốc rời bỏ tỉnh lỵ để về những miền thôn-quê hẻo-lánh, mang theo một nhúm vỏ lửa lông gà và một lá cờ vỉ có viết mấy giòng chữ thật lớn: "Nguyễn-duy-Hiệu đại thủ lĩnh Nghĩa hội đã bị trảm-quyết."
|