Thay lời tựa
Nói tới Đường-thi, người ta ít
nghĩ đến những bài thơ cổ-phong, những bài “Thạch-hào
lại”, những bài “Bình-xa hành” của Đỗ-Phủ, những
bài “Trường-hận ca” và “Tỳ-bà hành” của Bạch
cư Dị. Hai chữ “Đường-thi” thường hay khiêu-gợi
trong tâm-trí mọi người những bài thơ tứ-tuyệt như
“Khuê-oán” của Vương xương Linh, “Phong kiều dạ
bạc” của Trương Kế và nhất là những bài thất-ngôn
bát-cú có bố-cục chặt-chẽ, có bằng trắc nhất-định
và có niêm-đối hẳn-hoi. Đường-thi là một thể thơ
đặc-biệt thích hợp với ngôn-ngữ và tính-chất
của dân-tộc Trung-quốc. Đường-thi lại còn là cái
tinh-hoa của sông núi, cái khí hạo-nhiên của vũ-trụ,
một thứ hoa thơm cỏ lạ đã nẩy-nở lần đầu tiên
trong thời-kỳ trung-cổ ở trên bờ sông Hoàng-hà và sông
Dương-tử. Đường-thi phát-sinh vào năm 620 sau
Tây-lịch Kỷ-nguyên trong thời-kỳ vua Đường Cao-Tổ,
trải qua ba thế-kỷ và chấm-dứt vào năm 905 trong thời-kỳ
vua Chiêu-tuyên-đế. Thơ cổ-phong ra đời từ lâu rồi,
nhưng thơ Đường luật phải chờ Lý thế Dân lên làm
vua, phải chờ sự góp sức của nhiều bậc thiên-tài mới
có thể xuất-đầu lộ-diện. Một khi nhà Đường đã
mạt-diệp, các thi-sĩ còn sót lại như Tào Nghiêu-tân, Lý
thương Ẩn đã lần-lượt theo thời gian mà mai-một thì
sứ-mạng của Đường-thi phải coi như kết-liễu.
Danh-nhân đời sau, từ thời Tống, Nguyên cho tới Minh, Thanh, ai
nấy cũng lo bồi-đắp, vun-quén cho cái di-sản của
tổ-tiên mỗi ngày mỗi được phát-triển. Họ đã làm
việc hết-sức tận-tụy, họ đã sáng-tác rất
nhiều nhưng họ không thể nào tìm thấy một lần thứ
hai cái âm-hưởng thanh-tao, cái phong-vị đặc-biệt và
cái sức truyền-cảm linh-diệu của thời-kỳ Lý-Đỗ.
Cây đàn ly-tao mà họ đã dùng để tạo nên thanh-âm vẫn
là cây đàn xưa, mãnh đất mà họ đã gieo vẫn là mãnh
đất cũ, sự vật vẫn không bao giờ di-chuyển trong
phạm-vi nhỏ hẹp của nó, nhưng hoa quả về sau nầy đã
tùy theo từng thời-kỳ mà thay hình đổi dạng. Người
ta không thể nào phục-hồi vẻ tự-nhiên, bình-dị,
cái âm-điệu nhẹ-nhàng, siêu-thoát như trong buổi Thịnh
Đường. Mỗi thời-đại vẫn có một cá-tính, một
sắc-thái riêng rẻ. Vì vậy các nhà phê-bình đã phải đặc biệt chú ý tới Đường, Tống là hai
thời-kỳ hoàng-kim trong văn-học Trung-hoa và đã nói một
câu bất-hủ: “Đường-thi Tống-tự Hán văn-chương”.
Phải chăng các thi-sĩ sau Đỗ-Phủ,và Lý-Bạch không có
thể tìm lại cái hoàn-cảnh hy-hữu, các cơ-hội ngàn năm
một thuở, cái thời-kỳ nhiễu-nhương, loạn-lạc, sự quằn-quại, đau thương, để giúp cho mình trở thành
những bậc vĩ-nhân. Phải chăng họ không có thể tạo ra
một môi trường thuận-lợi cho sự sáng-tác; họ không
có thể trông cậy vào sự khích-lệ vô-danh của một
thế-hệ đang lên, của những làn sóng người hăng-hái,
nhiệt-thành, cùng theo đuổi một chí-hướng, cùng hy-sinh
cho một lý-tưởng, để gây-dựng nên những
danh-nhân của thời-đại. Hơn một lần nữa, ta phải
theo thi-hào Goethe mà nói một cách chân-thành “thiên-tài
chỉ là hậu-quả của một cảnh-ngộ”. Đó là nói riêng-rẻ về văn-nhân,
thi-sĩ ở phiá bên kia ải Nam-quan. Một khi đem cái
mầm-mống ở bên Trung-quốc mà gieo vào địa-hạt của
mình, thi-nhân Việt-nam lẽ tất-nhiên phải gặp nhiều sự
khó khăn hơn nữa. Từ Hàn-Thuyên đời nhà Trần
tới Bà Huyện Thanh-quan đời nhà Nguyễn, cho tới
thời-kỳ hiện-đại, thi-ca do người mình sáng tác
có thể chất thành núi Thái-sơn hay lấp bể
Địa-trung-hải nhưng những bông hoa của đất
nước còn để hương-vị lâu dài chỉ tính trên
đầu ngón tay. Người Việt nam có thể tự-hào với
bài “Thăng-long thành hoài-cổ” của Bà Huyện
Thanh-quan, bài “Khóc Thị Bằng” của Nguyễn gia
Thiều, nhưng thành-thật mà nói thi-nhân của chúng ta vẫn
chưa đạt tới mức dồi-dào, phóng-khoáng, chưa mang sắc thái tự-nhiên, dễ-dàng của một Đỗ-Phủ hay một
Lý-Bạch. Đã có nhiều nhận xét về những
khiếm-khuyết trong bài thơ của Nguyễn-gia-Thiều, về những công-phu, tìm-tòi và
cố-gắng của Bà Huyện Thanh-quan trong hai câu thơ:
Đá vẫn trơ gan cùng tuế-nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang-thương.
Gần đây người ta hay nhắc-nhở đến
bài “Hòn vay hòn trả” của Học-Ý, một thi-nhân ở về
hạt Tam-kỳ, tỉnh Quảng-nam:
Hỏi thăm giàu có mấy năm nay,
Mà tiếng người đồn trả với vay.
Sạn đá, vốn kia chồng-chất mãi,
Cỏ cây, lời nọ nảy ra hoài.
Hẹn hò ngày tháng chim năn-nỉ,
Tờ khế năm mùa lá đổi thay.
Gánh nợ tang-bồng âu trả đặng,
Dầu quên còn có đất trời hay.
Ta phải công-nhận rằng Học-Ý có
cái giọng trác-tuyệt thật nhưng Phan-Khôi đọc xong
hai câu luận, hai vế hay nhất trong bài thơ, vẫn phải hạ
bút mà phê-bình một cách chua-chát: “ công-thiệp nhưng
chưa thoát khỏi khuôn-sáo của lối thơ cử-tử ”. Phan tiên-sinh là một học-giả
uyên-thâm, một thi-gia có nhãn-quang rộng-rãi, sâusắc: Điều nhận-xét của ông giúp cho chúng ta thấy
rằng làm Đường-thi là một việc rất dễ nhưng làm
Đường-thi cho hay, sáng tác nên một bài thơ có ý-tứ
và lời văn dồi-dào ngang nhau, câu nào đọc lên
cũng mang một sức linh-động, một sự truyền-cảm
vô-biên, cũng tiến gần đến chổ hạo-nhiên, đến mức
tuyệt-diệu như trong thời-kỳ Thịnh-Đường thì thật
là một điều thiên nan vạn nan. Bỉ-nhân không bao giờ có
tham-vọng tiến tới chỗ siêu-việt trong nghệ-thuật
làm thơ, cũng không cuồng-dại gì mà tưởng rằng mình
sẽ có thể đạt tới đỉnh cao nhất trong dãy Hy-mã.
Lúc nào nhàn-rỗi, bỉ-nhân võ-vẽ ghép năm ba câu, gieo
năm ba vần, đem hợp lại thành một quyển sách nhỏ. Vả
lại hiện nay thấy người đời ai nấy cũng theo đòi cái
mới ở phương Tây và quên mất cái cũ ở phương Đông,
bỉ-nhân tiếc cái gia-sản của tổ-tiên nên mạo-muội
in tập thơ ấy ra cống-hiến cho quí độc-giả
xem chơi trong lúc trà dư tửu hậu. Ấy là bỉ-nhân
có một chút thiện-chí muốn góp phần để
bồi-đắp nền văn-nghệ chung của nước nhà. Bỉ-nhân
mong rằng các bậc cao-minh ở gần cũng như ở xa sẽ
đón-nhận những dòng chữ sau đây với niềm
hân-hoan,với sự khoan-dung không bờ-bến và chỉ vẽ cho
những chỗ khiếm-khuyết để sửa đổi dần dần thì
bỉ-nhân sẽ lấy làm cảm-tạ vô cùng.
Viết trên bờ sông Hương ngày 16
tháng Giêng năm Tân Sửu. Phạm đình Bách &&&&&&&&&&&&&&&&&&
“Vần thơ cổ-kính” in
lần thứ nhất tại Nhà in Sao-Mai, 76 Nguyễn-Huệ, Huế.
Bìa do Hoạ-sĩ Thái đình Uyển vẽ và khắc.
Muc luc Home Xem trang sau |